Các cấp công đoàn hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 16 điểm cầu trong toàn tỉnh và 400 công nhân lao động, cán bộ công đoàn, đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia.
Tại đối thoại, anh Nguyễn Thanh Hưng, đoàn viên lao động huyện Phú Vang cho biết, vợ chồng anh cùng làm một công ty và đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Thời gian qua, gia đình thuộc đối tượng cách ly. Trong trường hợp của mình, anh không biết mỗi mình anh được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định hay cả hai vợ chồng đều được hưởng. Khi biết LĐLĐ tỉnh tổ chức chương trình đối thoại, anh liền đăng ký tham gia. “Tại đối thoại tôi được đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích là cả hai vợ chồng tôi đều được hưởng hỗ trợ theo chính sách và tôi cũng được hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ để sớm nhận được tiền hỗ trợ”, anh Hưng cho biết.
Qua đối thoại, chị Nguyễn Thị Châu, đến từ TP. Huế đã biết thêm thông tin, dù đã chấm dứt hợp đồng lao động và đã nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, chị vẫn được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. “Hiện tôi đang làm hồ sơ để được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116”, chị Châu chia sẻ.
Một lao động tại huyện Phú Lộc cho biết, nhờ có chương trình đối thoại, anh đã hiểu rõ người lao động thuộc địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ là không được hưởng chế độ chính sách theo Nghị quyết 68.
Người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 được tham gia gian hàng không đồng của tổ chức công đoàn trong tỉnh
Nhiều nhân viên hợp đồng làm cấp dưỡng tại các trường mầm non, tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh cũng được hiểu rõ lý do vì sao họ không thuộc đối tượng được hỗ trợ chính sách của Nghị quyết 68.
Không chỉ giúp người lao động hiểu rõ nhiều băn khoăn về quyền lợi của mình trước các chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, chương trình đối thoại còn giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hình thức làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ gồm những hồ sơ gì, nộp ở đâu, thời gian giải quyết trong bao lâu; những thủ tục và điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động… Đại diện Công ty TNHH Sóng Hồng, thị xã Hương Thủy cho biết, trong các nghị quyết hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, có nhiều mục mang nội dung chung chung, khi đọc sẽ không hiểu được công ty tôi thuộc nội dung cụ thể nào để áp dụng, qua chương trình đối thoại trực tuyến, tôi được giải đáp rõ ràng hơn nên tôi rất hài lòng”.
Theo Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, Sở tích cực phối hợp triển khai 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 120.000 người được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 49 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Dần, trong quá trình triển khai, NLĐ, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn, do chưa nắm rõ quy định, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết, Nghị định. Chương trình đối thoại góp phần đưa Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả nhất.
Ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, với vai trò cầu nối, LĐLĐ tỉnh đã có nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ, giúp NLĐ, người sử dụng lao động hiểu, tiếp cận nhanh, dễ dàng hơn các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, để quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và người sử dụng lao động được bảo đảm.
Bài, ảnh: Tuấn Khoa