ClockChủ Nhật, 31/10/2021 07:07

Đổi mới mô hình, nâng cao đời sống người lao động

TTH - Thực hiện tốt công tác trùng tu, phát huy giá trị di sản, đổi mới mô hình hoạt động, thực hiện chuyển đổi số và nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống người lao động là những điều ông Hoàng Việt Trung quan tâm trên cương vị Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa HuếDi tích Huế đón khách tham quan từ ngày 1/10Ông Hoàng Việt Trung giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Thưa ông, với cương vị mới, ông có những quan tâm nào đối với công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế?

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (trung tâm) là một trong những đơn vị được đánh giá dẫn đầu làm tốt công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ở cương vị mới, tôi mong muốn sẽ tiếp tục phát huy những mặt mạnh, thương hiệu của trung tâm.

Sắp tới, trung tâm sẽ trùng tu một số công trình lớn. Trước mắt sẽ khởi công trùng tu điện Thái Hòa và khi có điều kiện sẽ phục hồi điện Cần Chánh. Đây là hai ngôi điện quan trọng nhất ở khu vực ngoại triều và nội đình của hoàng cung thời Nguyễn. Cùng với điện Kiến Trung đang phục hồi, trục dũng đạo của hoàng cung sẽ có 3 đại điện trụ cột trong hệ thống Kinh thành.

Tôi mong Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sẽ có không gian trưng bày tương xứng với bề dày của nó, đáp ứng những yêu cầu của bảo tàng theo chuẩn quốc tế. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế có nơi trình diễn được trang bị công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại để phát huy tốt hơn giá trị di sản phi vật thể. Hy vọng, một ngày nào đó nhà hát Cửu Tư đài ở cung An Định cũng sẽ sớm được phục hồi...

Mong muốn và nhu cầu trùng tu của trung tâm rất lớn nhưng nguồn lực chỉ có thể đáp ứng một phần, vì vậy phải ưu tiên trùng tu những di tích xuống cấp nghiêm trọng, mang giá trị độc đáo. Cốt lõi để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là dựa trên nền tảng giá trị di sản văn hóa. Hy vọng, khi có cơ chế đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế, sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho việc trùng tu di sản. Nếu Quỹ Bảo tồn di sản Huế được Quốc hội thông qua cộng với nguồn thu phí tham quan khi du lịch phục hồi, chúng tôi có thể thực hiện được những ước mơ này để tôn tạo, phục hồi cơ bản khu vực di sản.

Khó khăn trong quá trình bảo tồn, trùng tu di sản hẳn không chỉ là nguồn lực?

Khó khăn thì nhiều vì trùng tu di tích không phải là công trình xây dựng bình thường. Các quy trình được tiến hành chặt chẽ, có ý kiến Hội đồng khoa học và qua nhiều lần thẩm định ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khó nhất là việc nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu lịch sử để làm cơ sở đối chứng phục hồi di tích. Chẳng hạn, điện Thái Hòa và điện Cần Chánh là sản phẩm nghiên cứu khoa học trong hơn 10 năm. Công tác trùng tu cũng có những điểm mờ hoặc tư liệu gốc bị mất nên việc phục dựng cũng có thể có khiếm khuyết. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, công tác trùng tu sẽ được tiến hành kỹ lưỡng, hy vọng không xảy ra sai sót, nhất là với những công trình lớn được nhiều người quan tâm như điện Thái Hòa.

Ngoài công tác trùng tu, những vấn đề ông quan tâm trước mắt là gì?

Khi tiếp nhận công việc mới, tôi quan tâm đến việc thực hiện chuyển đổi số để hệ thống hóa lại cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa; từ đó quản lý, sử dụng, phát huy và lưu giữ cho nhiều đời sau. Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu của trung tâm với những sản phẩm nghiên cứu, tư liệu đang nằm tản mát, cần tập hợp lại, sử dụng công nghệ để hệ thống hóa, lưu giữ tập trung. Những công trình trùng tu, sản phẩm dịch thuật, tư liệu Hán - Nôm cũng cần lưu giữ bằng file điện tử. Chúng ta có thể ứng dụng công nghệ trong quảng bá, phát huy giá trị di sản, như: công nghệ thực tế ảo, công nghệ 3D, triển khai vé điện tử…

Những tiết mục mới được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế dàn dựng chuẩn bị đón khách

Việc đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của trung tâm cũng cần tiến hành. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch trình Sở Nội vụ, UBND tỉnh. Phương án đổi mới sẽ tiến hành theo hướng sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn, đổi mới mô hình, vị trí việc làm; tăng tính tự chủ, sáng tạo, động viên, khuyến khích người lao động và nâng tầm vị thế của từng đơn vị thuộc trung tâm. Sự thay đổi lúc đầu chưa quen nhưng vẫn phải làm để phát triển; trong đó nội hàm là cái gì tốt cần tiếp tục phát huy, cái gì lạc hậu cần thay đổi, cái gì mới thì phải làm. Tất nhiên, việc đổi mới thực hiện theo lộ trình, căn cứ vào sự phát triển thực tế khách quan. Để thực hiện nhiệm vụ này, tôi đang triển khai rà soát lại hệ thống hoạt động của trung tâm.

Trung tâm đang đối mặt với thực tế già hóa đội ngũ. Do những quy định về biên chế, một thời gian dài, trung tâm không tiếp nhận người mới. Ví dụ các nghệ sĩ ở nhà hát ngày càng lớn tuổi mà không có đội ngũ kế cận. Đội ngũ thuyết minh cũng vậy. Đây cũng là điều tôi đang trăn trở tìm giải pháp khắc phục.

Một điều nữa là việc khai thác dịch vụ trong hệ thống di tích tương xứng với giá trị di sản, cần có những sản phẩm mới, hấp dẫn thể hiện được bản sắc, chẳng hạn các show trình diễn, hệ thống ẩm thực… Với cương vị mới, tôi mong muốn làm nhiều việc, tuy nhiên, phải có lộ trình và thời gian.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Quần thể Di tích Cố đô Huế nhiều lần phải đóng cửa, lượng khách giảm mạnh, ông sẽ làm gì để lãnh đạo trung tâm vượt qua những khó khăn?

Theo dự toán thu dự kiến của năm nay là 120 tỷ đồng nhưng do dịch bệnh, dự kiến đến hết năm chỉ thu được khoảng 20 tỷ đồng. Ngay lúc nhận nhiệm vụ mới, tôi đã làm việc với các đơn vị liên quan về việc chi thường xuyên, rà soát cắt giảm, chỉ ưu tiên thực hiện những việc thực sự cần thiết, quan trọng, như: chống xuống cấp cấp thiết cho di tích, vệ sinh cảnh quan, đầu tư cho chuyển đổi số…

Điều quan trọng nữa là việc giải quyết chế độ chính sách, chăm lo đời sống cho người lao động như thế nào?

Việc đầu tiên là phải đảm bảo đời sống cho người lao động về lương, chế độ phúc lợi. Cũng nhờ tỉnh quan tâm nên hiện trung tâm vẫn đảm bảo lương và phụ cấp cho người lao động. Riêng thu nhập tăng thêm không có do không có nguồn thu. Người lao động cũng chia sẻ khó khăn chung của cơ quan.

Điều tôi trăn trở là hiện hệ số lương của người lao động vẫn rất thấp, cần có giải pháp nâng cao thu nhập cho số đông người lao động để động viên, khuyến khích, vừa phát huy được cái hiện có vừa chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai, bởi con người luôn là nhân tố quyết định cho sự phát triển.

Trung tâm chuẩn bị thế nào cho việc mở cửa đón khách trong tình hình mới?

Trung tâm mở cửa đón khách nhưng trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chúng tôi trang bị hệ thống kiểm soát dịch bệnh ngoài tuân thủ các quy định của Trung ương và tỉnh; đầu tư các dụng cụ bảo vệ, lắp đặt hệ thống quét mã QR tại các điểm tham quan di tích…

Chúng tôi cũng chủ động chuẩn bị kế hoạch cụ thể để đón làn sóng du lịch quay trở lại, như kết hợp với ngành du lịch mở các tour tuyến mới ngoài những tour tuyến trước đây; ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm thực tế ảo phục dựng lại hình ảnh cung điện, làm phim 3D... Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế dàn dựng chương trình mới để biểu diễn thường xuyên ở các điểm di tích. Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế chuẩn bị trưng bày, đẩy mạnh số hóa, trưng bày ảo. Sắp tới, trung tâm sẽ xây dựng thêm các sản phẩm thu hút, tạo sức sống và hấp dẫn cho khu di sản.

Xin cảm ông về cuộc trao đổi này!

MINH HIỀN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

Chiều 21/12, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc thông tin, ca bệnh được các chuyên gia Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược (BVTĐHYD), ĐH Huế, cắt Amydale gây mê hiện sức khỏe ổn định, tiên lượng sẽ xuất viện vào ngày 24/12 tới.

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc
Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển bền vững. Huyện Nam Đông và A Lưới, nơi tập trung đông đồng bào DTTS của Thừa Thiên Huế, đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ các chương trình, chính sách hướng tới cải thiện sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

TIN MỚI

Tổng hợp tin đăng kiếm việc làm mới nhất www.lorca.vn/bep-dien-tu
Return to top