ClockThứ Năm, 11/03/2021 21:00

Gỡ khó cho đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ thông

TTH.VN - Chiều 11/3, UBND tỉnh cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh hoạt động về đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ thông tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) hệ công lập.

Nâng chuẩn trường nghềTrao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyênCải thiện chất lượng giáo dục thường xuyên

Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Còn nhiều khó khăn

Ngày 11/7/2016, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định sáp nhập các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, Trung tâm GDTX, Trung tâm dạy nghề để thành lập Trung tâm GDNN-GDTX (gọi tắt Trung tâm) cấp huyện. Sau 4 năm sáp nhập và đi vào hoạt động, các Trung tâm cơ bản đã ổn định về tổ chức, hoạt động dần đi vào nề nếp.

Trung tâm GDNN-GDTX TX. Hương Thủy phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế dạy nghề phổ thông cho học sinh

Hằng năm, các Trung tâm chỉ đạo các tổ chuyên môn tiến hành rà soát nội dung dạy học hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các nghề và các môn học; bổ sung, cập nhật những thông tin mới, phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu...

Các Trung tâm đã chủ động và tích cực khảo sát, nắm bắt nhu cầu người dân trên địa bàn và nhu cầu học nghề của người lao động để thực hiện công tác tuyển sinh các lớp phù hợp. Song song đào tạo văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề được Trung tâm tích cực triển khai.

Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác GDNN-GDTX còn nhiều khó khăn, tồn tại. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tuyển sinh và cơ sở vật chất. Mức độ đáp ứng của các trang thiết bị giảng dạy còn nhiều hạn chế, chỉ từ 50% cho đến 85%. Ngoài trụ sở chính, các Trung tâm còn có các điểm cơ sở khác. Các phòng thực hành nghề còn thiếu; một số nơi có thư viện nhưng không đạt chuẩn.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của lãnh đạo các Trung tâm cũng như chủ tịch, phó chủ tịch một số huyện, thị xã đã đưa ra những tồn tại, hạn chế tại các Trung tâm, đồng thời đề xuất cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay, nhất là nhu cầu học nghề của lao động xã hội và nhu cầu học nghề phổ thông của học sinh.

Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TX. Hương Trà - Trần Minh Quang nêu một số thực trạng còn tồn tại trong hoạt động GDNN-GDTX và  kiến nghị gỡ khó

Đại diện các Trung tâm cũng kiến nghị cần có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên GDNN để giáo viên có đủ điều kiện thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Quan tâm đến việc đảm bảo tỷ lệ tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 THPT để thực hiện đúng định hướng phân luồng học sinh phổ thông gắn với đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN. Tăng định mức chi thường xuyên cho Trung tâm GDNN - GDTX từ 12 triệu đồng lên 23 triệu đồng/người/năm.
 
Thực tế hiện nay, đối với giáo viên cùng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy nhưng giáo viên dạy GDTX có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, được chuyển mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, trong khi giáo viên dạy nghề không có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên. Giáo viên dạy GDTX có chế độ nghỉ hè 2 tháng, còn giáo viên dạy nghề không có chế độ nghỉ hè mà chỉ có chế độ nghỉ phép. Đây là sự không thống nhất trong cùng một đơn vị. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên nhân viên thực hiện trong công tác đào tạo nghề ở các cơ sở đào tạo nghề.

Đẩy mạnh liên kết với các trường, doanh nghiệp 

Phát biểu kết luận chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, sau sáp nhập, với chức năng hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều ngành, việc áp dụng chế độ, chính sách cho lãnh đạo Trung tâm, giáo viên còn lúng túng, bất cập. Công tác tổ chức nhân sự và tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm GDNN-GDTX nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, chưa chủ động phối hợp với các sở ngành quản lý chuyên ngành để tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, để hoạt động đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ thông phát huy hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, ngoài tuân thủ các văn bản, quy định của Nhà nước, các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành cần quan tâm, giám sát, tạo điều kiện, bố trí nguồn kinh phí hàng năm để các Trung tâm hoạt động. Nghiên cứu, thống nhất tham mưu chính sách áp dụng chế độ tiền lương, vị trí việc làm, tiêu chuẩn vị trí lãnh đạo đảm bảo quyền lợi và tính đồng nhất giữa các giáo viên tại các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Trung tâm GDNN-GDTX TX. Hương Thủy phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế dạy nghề phổ thông cho học sinh

Về phía Trung tâm, cần phát huy vai trò chủ thể, có những giải pháp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề. Các Trung tâm cần rà soát, đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Trung tâm GDNN - GDTX, căn cứ tình hình thực tế của địa phương về công tác đào tạo, dạy nghề để có hướng đầu tư, chuẩn hóa cũng như đổi mới phương thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, giảng dạy phù hợp. Quan trọng nhất là các Trung tâm cần đẩy mạnh liên kết với các trường đào tạo nghề, doanh nghiệp để cùng phối hợp nâng cao hiệu quả, phong phú ngành nghề trong dạy nghề phổ thông cũng như đào tạo nghề cho lao động xã hội, giải quyết việc làm.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở ngành, địa phương liên quan cần phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ khung quy chế phối hợp cấp tỉnh giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác tổ chức, quản lý chuyên môn đối với các Trung tâm.

Khó khăn nhất hiện nay ở các Trung tâm chính là tỷ lệ tuyển sinh GDTX, GDNN còn quá thấp, thậm chí có những địa phương số lượng tuyển sinh vào lớp 10 hệ GDTX trong năm học chưa tới 5 học sinh, thậm chí như huyện Phong Điền năm học vừa qua chỉ tuyển sinh được 1 người. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các Trung tâm cần chủ động rà soát lại việc tổ chức tuyển sinh trung học phổ thông đảm bảo chất lượng đầu vào, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện phân luồng học sinh sau THCS theo kế hoạch lộ trình của UBND tỉnh đã ban hành. 

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chống nóng” từ trong bệnh viện

Nhằm tạo sự thoải mái và giảm nhiệt trước tình trạng nắng nóng gay gắt trong những ngày gần đây, các bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp từ tăng cường cơ sở vật chất cho đến phân luồng, truyền thông phòng chống dịch bệnh…

“Chống nóng” từ trong bệnh viện
Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, từ ngày 4/4 tới, các đơn vị liên quan triển khai phương án điều tiết xe tải lớn hơn 6 trục (30 tấn), xe sơmi-rơ moóc (xe container), xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn mà được phân luồng đi trên QL1A.

Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

TIN MỚI

Return to top