ClockThứ Bảy, 17/10/2020 17:18

Góp sức vì người dân vùng lũ

TTH.VN - Gác lại công việc, các doanh nhân, doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cùng chung tay kêu gọi sự ủng hộ và chia sẻ dành cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lụt những ngày qua.

Những phần quà tặng người dân vùng rốn lũ Quảng Phước ngày 16/10

Những ngày này, cả nước hướng về vùng lũ miền Trung, nhiều đoàn cứu trợ đang mang những phần quà về giúp đỡ bà con ở các địa phương trong tỉnh.

Rất sớm và cũng đầy nhiệt tâm, các doanh nhân đang góp sức mình ủng hộ kinh phí và hiện vật, tổ chức những chuyến xe trực tiếp về vùng rốn lũ, vùng cao khó khăn để trao những phần quà động viên, hỗ trợ người dân phần nào vượt qua khó khăn, tiếp tục chống chọi với thiên tai trong những ngày tới.

CLB CEO Huế sau 1 ngày kêu gọi đã nhận được số tiền ủng hộ trên 20 triệu đồng và tổ chức ngay chuyến xe thiện nguyện đầu tiên (16/10) về thôn Hà Đồ, Phước Lập (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ lịch sử.

Chủ nhiệm CLB CEO Huế Trương Phước Thành chia sẻ: Tranh thủ nước rút bớt, các thành viên trong CLB tổ chức đưa quà về 2 thôn. Ở đây, nước vẫn còn chưa rút, cả đoàn phải sử dụng ghe vận chuyển 30 suất quà (mỗi suất gồm 1 áo phao, 1 bộ áo mưa và 500 ngàn đồng tiền mặt), rồi lội nước đến nhà trao tận tay người dân. Hiện đã vận động được 400 suất quà trị giá 200 triệu đồng, CLB dự định đi trao cho 2 xã khó khăn nhưng “do nước lũ lên trở lại, phải tạm hoãn để đảm bảo an toàn và sẽ tiếp tục đi trao vào đầu tuần tới”, anh Thành cho hay.

Giám đốc Công ty Du lịch Phong Lan Việt Hồ Sương Lan cho biết, với tinh thần “không sợ mưa, không sợ gió, không sợ khó, chỉ sợ không có để mà đem cho” cả nhóm chạy đua với lũ để mang 200 chiếc áo phao, “hộp thuốc gia đình”, đại diện cho nhà hảo tâm trao cho người dân nơi vùng rốn lũ ở thôn Đông Mỹ, xã Phong Bình, Phong Điền.

“Bao nhiêu tài sản trôi theo dòng nước. Bà con xót của, xót lòng lắm”, chị Lan nói. Tụi mình chọc cho bà con cười toe toét để có động lực về chống chọi tiếp với lũ. Ở những vùng thấp trũng, ngập sâu, áo phao là sản phẩm thiết yếu giúp người dân an toàn hơn trong mùa mưa bão nên “lần đầu tiên được nhận, mọi người vui lắm. Nhưng vì không đủ nên chỉ ưu tiên nơi ngập sâu nhất”, chị Lan bày tỏ.

Các thành viên CLB khởi nghiệp trực tiếp vận chuyển hàng cứu trợ đến cho người dân

Nhà ở Cồn Hến, văn phòng ở đường Trường Chinh đều bị “cô lập” vì lũ, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Nguyễn Văn Thanh Bình vẫn ngược xuôi vừa chống lũ, vừa chung tay cùng Hội Doanh nhân trẻ Huế kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân quyên góp tặng người dân ảnh hưởng bởi thiên tai.

Sau 1 ngày, đã có gần 200 suất quà (gạo, mỳ tôm, nhu yếu phẩm) của “Siêu thị 0 đồng” trao tận tay cho người dân. Hàng trăm áo phao với kinh phí trăm triệu đồng cũng được trao tặng kịp thời. Sắp tới, “500 thùng sữa và 2.000 bánh chưng từ các nhà hảo tâm ở Hà Nội và các thầy chùa Từ Đàm, Từ Hiếu, Đức Sơn sẽ về với Huế”, Bình chia sẻ.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ (HDNT) tỉnh Trần Đức Minh thông tin, với tinh thần tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đứng ra làm cầu nối kêu gọi hội viên, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng tấm lòng nhân ái, nối những vòng tay lớn chia sẻ yêu thương hướng về miền Trung.

Trong 2 ngày 15 và 16/10, HDNT tỉnh đã mang 230 suất cứu trợ là nhu yếu phẩm đến với bà con các xã A Roàng, A Đớt của huyện miền núi A Lưới và xã Phú Thanh, Phú Vang. Theo Chủ tịch HDNT tỉnh, Hội tiếp tục vận động, kêu gọi sự chung tay của các doanh nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ, giúp đỡ phần nào khó khăn cho người dân đang chống chịu thiên tai.

CLB CEO Huế cũng đang khởi tạo Group Facebook để các tổ chức, cá nhân dễ tìm kiếm khi triển khai cứu trợ tại Huế. Chủ nhiệm CLB CEO Huế Trương Phước Thành cho hay, Group sẽ cập nhật thông tin kịp thời, qua đó, việc điều phối, phân bổ sẽ thuận tiện hơn. Các nhóm chia sẻ thông tin nơi sẽ đến nơi cần cứu trợ, hỗ trợ nhân sự; địa chỉ khách sạn, xe cộ miễn phí cho các đoàn cứu trợ, số điện thoại liên lạc, tập hợp nhu cầu của người dân, các mặt hàng đang cần và số lượng, kết nối chính quyền địa phương… tránh tình trạng nơi có nhiều nơi có ít, nơi thật sự cần thì không có.

*Tính đến chiều 17/10, các địa phương trên địa bàn Phú Lộc đã tiếp nhận 10.471 suất quà cứu trợ, với tổng trị giá gần 2,2 tỷ đồng. Các xã, thị trấn đã phân bổ số hàng cứu trợ về tận tay người dân bị thiệt hại.

Phân bổ số hàng cứu trợ về tận tay người dân bị thiệt hại

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc Nguyễn Minh cho biết, hiện tại các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn Phú Lộc tiếp tục tổ chức vận động cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả, động viên, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại trong lũ lụt. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, thu gom cây cối ngã đổ, xứ lý môi trường, sửa chữa cơ sở hạ tầng, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh để các hộ dân sớm trở lại ổn định cuộc sống.

Liên tiếp các đợt lũ lụt vừa qua, toàn huyện Phú Lộc có gần 7.500 nhà bị ngập sâu trong nước, tập trung ở các xã Lộc Trì hơn 1.700 nhà, Lộc An 1.400 nhà, Lộc Điền 1.300 nhà, Vinh Hiền 700 nhà, Lộc Thủy 200 nhà… Một số tuyến đường ở các xã Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc và Lộc Thủy bị ngập từ 30-50cm. Riêng ở xã Giang Hải, Vinh Hiền bờ biển xâm thực dài khoảng 2,5km. Nước biển tràn qua gây sạt lở, cuốn trôi tuyến đường Tỉnh lộ 21 khoảng 50m và làm gãy đổ một số diện tích rừng dương phòng hộ dọc tuyến, nguy cơ mở cửa biển tại khu vực thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải là rất cao.

 Bờ biển bị xâm thực, nguy cơ mở cửa biển tại khu vực thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải là rất cao

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Thông, toàn huyện có diện tích hoa màu bị thiệt hại hơn 108ha; diện tích nuôi xen ghép bị ngập úng gần 960ha (chủ yếu ở Giang Hải 287ha và Vinh Hưng 335ha...), gia cầm bị chết, cuốn trôi gần 18.000 con...

Để tiếp tục ứng phó với tình hình mưa lũ, UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo các địa phương cùng các đơn vị trực sẵn sàng 24/24, thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ, đảm bảo tuyệt đối về tính mạng con người, kịp thời ứng phó với các tình huống; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được chủ quan, lơ là nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công an huyện cùng phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, tràn... để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn; nghiêm cấm người và phương tiện qua lại các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A và Quốc lộ 49B.        

Liên Minh - Bá Trí

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Return to top