|
Hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo được các ban, ngành, địa phương ở Hương Trà nỗ lực thực hiện |
Lồng ghép
Ngay từ đầu năm, UBND TX. Hương Trà phê duyệt nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo. Mục tiêu là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu, khuyến khích các hộ nghèo phát triển sản xuất... Địa phương cũng chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để chuyển giao cho bà con; đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà, ông Đỗ Ngọc An cho hay: “Từ các nguyên nhân nghèo đa chiều, địa phương tập trung vào các nhóm giải pháp về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh kế, thiết bị sản xuất... để có kế hoạch đầu tư hỗ trợ cho các hộ nghèo theo đúng địa chỉ. Đồng thời, các ban, ngành, tổ chức đoàn thể... tăng cường hỗ trợ cây con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất lao động, dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn".
Triển khai kế hoạch giảm nghèo đa chiều, các xã, phường trên địa bàn Hương Trà tập trung lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh kế - xã hội của địa phương; hỗ trợ người nghèo về nhà ở, đất ở và các dịch vụ xã hội cơ bản khác; đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo phát triển sản xuất, gắn với việc liên kết vùng để phát huy thế mạnh của địa phương.
Gia đình chị Lê Thị Cách Mạng ở tổ dân phố La Chữ Đông, phường Hương Chữ từng là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau khi được Hội LHPN thị xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 150 triệu đồng, vợ chồng chị được hỗ trợ khai hoang hơn 10ha đất trồng rừng kinh tế, 3ha trồng cây dược liệu tràm gió. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chị trồng thêm 300 gốc tiêu thương phẩm. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, việc trồng rừng và trồng tiêu khá thuận lợi, cây phát triển tốt, cho năng suất cao. “Hiện nay, mỗi năm gia đình thu hoạch 2-3ha rừng và 300 gốc tiêu, doanh thu trên 220 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mang lại nguồn lãi hơn 100 triệu đồng...”, chị Lê Thị Cách Mạng cho biết.
Mới đây, gia đình bà Lê Thị Hiền, 75 tuổi, ở tổ dân phố La Chữ Nam, phường Hương Chữ, hộ khó khăn về nhà ở đã được các ban, ngành TX. Hương Trà hỗ trợ nguồn kinh phí 80 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới, mang đến niềm vui lớn cho gia đình. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hương Chữ Hà Văn Hương, qua quá trình khảo sát, tìm hiểu, xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến nghèo của người dân, Ban chỉ đạo giảm nghèo địa phương đã xây dựng phương án thoát nghèo sát thực, phù hợp với từng hộ dân...
Đồng bộ
Ông Đào Văn Đại, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Hương Trà cho biết: Triển khai phương án giảm nghèo theo địa chỉ, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường đã kịp thời nắm bắt và chia sẻ thông tin, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt có sự tham gia, đồng thuận của người dân, các thôn, tổ trên địa bàn. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo của thị xã giảm đáng kể qua các năm, năm 2021 có 638 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,57% và 606 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,39%, đến cuối năm 2023 thị xã còn 277 hộ nghèo, chiếm 1,5% và 370 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2%. Như vậy, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt kế hoạch đề ra thêm 0,67% và không có hộ nghèo có thành viên là người có công.
Một số xã, phường làm tốt công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo so với cuối năm 2021, như: Phường Hương Vân giảm 3,98%, xã Bình Thành giảm 2,65%, xã Bình Tiến giảm 3,19%... Nhiều địa phương xây dựng phương án thoát nghèo cụ thể, chủ động trong việc vận động nguồn lực hỗ trợ, như: Phường Hương Chữ, phường Hương Vân, thị trấn Tứ Hạ đã góp phần giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà, địa phương sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững tại các địa phương, hàng năm đánh giá nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Đồng thời, tập trung nguồn lực theo hướng ưu tiên các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao như tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trong mô hình giảm nghèo, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ cho người nghèo...
Cũng theo ông Đỗ Ngọc An, địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giảm nghèo. Bên cạnh đó, khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là các dự án đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đối với công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới.