|
Được hỗ trợ sinh kế, xóa nhà tạm, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo hiệu quả |
Đảm bảo an sinh
Còn nhớ năm đầu tiên khi triển khai đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần tập trung tất cả các giải pháp để thực hiện các chương trình dự án sinh kế, giảm nghèo bền vững. Với phương châm "giảm nghèo theo địa chỉ", mỗi địa phương, cơ sở cần rà soát đặc điểm, sinh kế của từng hộ nghèo để có từng kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Qua đó, khơi thông sử dụng các nguồn vốn chính sách, nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp. "Tỉnh nhận được nguồn hỗ trợ của Trung ương cũng chỉ trong ngắn hạn, vì khả năng sau năm 2025, tỉnh phải tự lực, tự lo giảm nghèo mà không còn trông chờ vào "bầu sữa" của Trung ương", ông Phúc khẳng định.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, bình quân giai đoạn 2022 - 2023, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của tỉnh là 1,33%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ và Tỉnh ủy giao 0,7 - 0,75%/năm. Tỷ lệ giảm này góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 13,7%/năm.
Đạt được kết quả trên phải kể đến việc huy động và vận dụng các nguồn lực hiệu quả. Số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến cuối tháng 11/2024 đã giải quyết cho hơn 14.800 lượt hộ vay vốn, với số tiền gần 900 tỷ đồng của 3 chương trình vay: Hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Tính từ năm 2021 đến nay, doanh số cho vay theo 3 chương trình vay đạt khoảng 2.750 tỷ đồng, với gần 54.000 lượt hộ vay.
Chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội ngoài đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn, còn có các chính sách vay vốn khác, như: Giải quyết việc làm theo Nghị định 61 của Chính phủ; chương trình cho vay đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ…, góp phần giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, công tác vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" hàng năm được triển khai có hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Tháng cao điểm "Vì người nghèo" được tổ chức với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả từ các địa phương đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực. Giai đoạn 2021 - 2024, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã vận động được hơn 84,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.026 nhà cho người nghèo với trị giá hơn 22,4 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 503 lượt người với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh, giúp học sinh nghèo học tập gần 2,8 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh (trường học, nhà cộng đồng...) hơn 800 triệu đồng; trợ giúp xã hội khó khăn đột xuất, thăm hỏi tặng quà cho hơn 28.000 lượt người với kinh phí hỗ trợ gần 12 tỷ đồng; các hỗ trợ khác gần 3 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...
Về đích sớm
Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,76%, về đích sớm trước 1 năm so với mục tiêu giảm nghèo của Nghị quyết 11. Tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân chung của cả nước, đạt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ cận nghèo chung toàn quốc năm 2023 là 2,78%, của tỉnh là 2,7%. Kết quả rất đáng mừng là qua tổng hợp sơ bộ kết quả rà soát của các huyện, thị xã, TP. Huế và kết quả thống kê trên hệ thống phần mềm quản lý hộ nghèo mới đây cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt xa mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,86% từ 2,27% đầu năm xuống còn 1,41% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt 0,35% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2024 còn 1,76%).
Đến nay, toàn tỉnh không còn huyện nghèo quốc gia và có 3/7 xã (Điền Hương, Phong Chương, Phú Diên) đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2025, 4 xã còn lại (Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Giang Hải, Phú Gia) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết.
Không chủ quan trước kết quả đạt được, toàn hệ thống chính trị và huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và toàn xã hội tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, kiên quyết không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới và triển khai đồng bộ phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025".