ClockThứ Sáu, 15/09/2023 13:22

Huy động nhiều nguồn đối ứng xóa nhà tạm cho hộ nghèo

TTH - Nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang sinh sống trong ngôi nhà, căn hộ tạm bợ, không bền chắc, diện tích chật hẹp. Hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo đang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh, cùng với đó là huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều và bền vững.

Ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025Chung tay chăm lo người nghèoRà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình

 Hộ nghèo ở Quảng Điền được xóa nhà tạm từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và huy động đóng góp từ các doanh nhân trong và ngoài tỉnh

An cư để thoát nghèo

Trong tổng số 11.735 hộ nghèo toàn tỉnh hiện có, thực trạng mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo về nhà ở là 2.474 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 21% và thiếu hụt về diện tích nhà ở bình quân đầu người là 3.893 hộ, chiếm hơn 33%. Các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục, dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, nước sinh hoạt... đều rất cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo đa chiều và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong số các dịch vụ xã hội cơ bản kể trên, việc đảm bảo về chất lượng nhà ở vẫn rất cần thiết, vì một khi được "an cư" thì người dân mới yên tâm "lạc nghiệp", vượt khó thoát nghèo.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là chính sách đúng đắn, thiết thực nhằm góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay.

Trong giai đoạn 2021-2025 có 2 chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, hỗ trợ nhà ở cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có dự án hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống ở các huyện nghèo. Ngoài ra, Nghị định số 131 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hỗ trợ hộ có thành viên đang được hưởng chính sách người có công, thân nhân liệt sĩ; trong đó có cả hộ nghèo có công với cách mạng. Bộ Xây dựng đã dự thảo và đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Có thể nói, việc thực hiện các chính sách trên đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công với cách mạng có nhà ở ổn định, yên tâm vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), vẫn còn một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo 3 chính sách trên, nên việc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được triển khai đồng bộ, chưa bao phủ hết số hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ.

Mở rộng đối tượng và nguồn lực hỗ trợ

Từ năm 2023-2025, tỉnh ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho các hộ thoát nghèo, hộ nghèo không có khả năng lao động đang có nhu cầu cấp bách về xóa nhà tạm như xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Dự kiến hỗ trợ xóa nhà tạm năm 2023 là 90 hộ, năm 2024 là 70 hộ và năm 2025 là 40 hộ. Đây là chính sách nhằm mở rộng đối tượng được hỗ trợ nhà ở, nhất là các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội không có khả năng lao động ở các xã, phường, thị trấn ngoài huyện nghèo A Lưới; ngoài Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và chương trình hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng.

Để thực hiện thành công chính sách này, phương án về mức hỗ trợ xây mới nhà ở là 40 triệu đồng/nhà. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà, ngân sách huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà. Huy động cộng đồng, nguồn xã hội hóa và người dân đóng góp đối ứng tối thiểu 20 triệu đồng/nhà. Đối với hộ sửa chữa nhà ở, ngân sách địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà. Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà, ngân sách huyện 5 triệu đồng/nhà. Huy động nguồn xã hội hóa, cộng đồng và người dân đóng góp đối ứng tối thiểu 10 triệu đồng/nhà.

Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo giai đoạn 2023-2025 từ vốn sự nghiệp là 12 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 9 tỷ đồng và ngân sách huyện 3 tỷ đồng. Việc mở rộng chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm cho các đối tượng hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, hộ nghèo không có khả năng lao động sẽ góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giúp cho hộ nghèo có thêm động lực xây mới, sửa chữa nhà ở để vươn lên thoát nghèo, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thực tế, qua khảo sát và ý kiến từ phòng LĐTB&XH các địa phương, nhiều trường hợp tự thân gia đình rất khó đối ứng thêm kinh phí để mạnh dạn khởi công, hoàn công ngôi nhà mới dù đã được nằm trong danh sách có nguồn hỗ trợ "cứng" của Nhà nước. Chưa kể có một số trường hợp nhà xây mới ở vị trí kém thuận lợi, thấp trũng gây đội chi phí xây dựng lên cao hơn. Vì thế, ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước còn cần sự hỗ trợ, đối ứng từ các nguồn mới có thể đáp ứng đủ kinh phí xóa nhà tạm cho hộ nghèo.

Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, muốn thực hiện có hiệu quả công tác xóa nhà tạm cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn tới, việc đẩy mạnh kết nối không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh mà còn cần sự chung tay sẻ chia của nhiều tổ chức, đơn vị, mạnh thường quân để làm mạnh thêm nguồn lực tài chính trong thời gian đến. Qua đó, góp phần cùng các cấp ủy, chính quyền thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ không chỉ về nhà ở mà thêm nhiều hoạt động thiện nguyện khác, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, giúp người nghèo từng bước tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin...

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rộng cửa” cho tín dụng bất động sản

Tín dụng bất động sản luôn chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu cho vay của các ngân hàng thương mại và được cho là một thành tố kích thích tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Đó cũng là lý do, ngân hàng đang đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực này.

“Rộng cửa” cho tín dụng bất động sản
Tạo nhiều sân chơi cho trẻ

Với chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay, TP. Huế tổ chức các hoạt động vui chơi có sự tham gia của trẻ em cũng như tạo nhiều sân chơi, tổ chức các khóa học năng khiếu nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em trong thời gian nghỉ hè.

Tạo nhiều sân chơi cho trẻ
Khởi công xây dựng 2 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo ở Phú Lộc

Sáng 12/6, UBND huyện Phú Lộc phối hợp với doanh nghiệp Phú Lộc - Bếp o Hà và người bạn đồng hành ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà ở cho gia đình bà Nguyễn Thị Dung là hộ nghèo và gia đình ông Đỗ Văn Mười là hộ cận nghèo trú tại xã Vinh Hưng.

Khởi công xây dựng 2 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo ở Phú Lộc
Quà tặng cho Festival

Chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm và Festival Huế 2024, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng lưu niệm, quà tặng tăng cường sản xuất các sản phẩm mới và nhập hàng số lượng lớn phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.

Quà tặng cho Festival
Return to top