|
Các chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động sẽ đảm bảo khi kinh tế địa phương phát triển |
Sẽ hơn chứ không thua
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương được cho là tiền đề quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển kinh tế - xã hội, được tự chủ hơn về ngân sách tài chính, được thụ hưởng chính sách đặc thù cùng với cơ chế, chính sách sẽ được mở rộng hơn, chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao hơn. Từ đó, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng ở địa phương sẽ được đầu tư hiện đại hơn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư khu vực kinh tế tư nhân và huy động nguồn lực trong Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trước vận hội mới mở ra cho tỉnh khi lên thành phố trực thuộc Trung ương chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề thay đổi trong đời sống. Để đảm bảo điều kiện sống cho người dân được tốt lên, đạt được những thành quả như kỳ vọng, lãnh đạo tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động; khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động, tham gia các chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường làm việc, thực hiện chính sách đãi ngộ, quản lý và sử dụng CBCCVC, người lao động hợp lý, hiệu quả...
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy phát triển thị trường lao động; đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động ban hành và thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách cho người lao động, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, phúc lợi, tiền thưởng nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đảm bảo quyền lợi, yên tâm công tác
Từ ngày 1/1/2025, thành phố Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức bộ máy sẽ có những thay đổi khi sáp nhập, chia tách các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính. Hiện nay, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các hội có tính chất đặc thù của tỉnh khoảng 23.300 người, trong tổng số hơn 615.000 người lao động trên toàn tỉnh.
Trao đổi về những tác động liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi của CBCCVC, người lao động khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, nhất là khi có sự sáp nhập, chia tách giữa các đơn vị hành chính, đại diện Sở Nội vụ cho biết, đến nay chưa có văn bản mới, hướng dẫn mới quy định các nội dung liên quan. Thế nên, địa phương vẫn áp dụng theo Nghị định 29 ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, với các chế độ, chính sách được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030 và Nghị định 26 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với trường hợp người lao động đang làm việc tại các sở, ngành, đơn vị và địa phương thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 111 của Chính phủ được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.
Qua khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, người lao động ký kết hợp đồng theo Nghị định 111 đang làm việc tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập chiếm số lượng không nhỏ. Do đó, việc sáp nhập, hợp nhất, chia tách cũng có phần ảnh hưởng đến nhóm lao động này. Tuy nhiên, trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các sở, ngành, đơn vị và địa phương đang xây dựng phương án sắp xếp theo định hướng phù hợp, trong đó có các phương án về việc bố trí nơi làm việc phù hợp đối với lao động theo quy định tại Nghị định 111.
Đối với việc chi trả tiền lương cho người lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, người lao động hưởng lương theo Nghị định 74 ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Ông Hồ Dần cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay, chưa có văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 74, nên người lao động làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này.