Chủ Nhật, 24/06/2018 07:45
(GMT+7)
Kinh tế tăng trưởng, việc làm tăng theo
TTH - Nhìn vào định hướng mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2020 của Thừa Thiên Huế, chúng ta thấy sẽ có một lực lượng lớn công ăn việc làm được tạo ra. Trong nguồn nhân lực lao động, gồm có đội ngũ quản lý, lao động có tay nghề, tay nghề cao và lao động phổ thông. Tất cả nguồn nhân lực này sẽ đòi hỏi một môi trường đào tạo tốt mới có thể đáp ứng được yêu cầu cho nền kinh tế. Đặc biệt là lao động có tay nghề và tay nghề cao mà lâu nay nhiều doanh nghiệp (DN) mỗi khi tuyển dụng thường “phàn nàn” là không đáp ứng được yêu cầu của DN.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may Huế. Ảnh: Minh Nguyên
Nguồn lao động này được tạo ra từ đâu? Đó là từ sự phát triển của nền kinh tế. Điều này được nhận thấy qua hai chỉ số: Số lượng DN ra đời và tổng nguồn vốn đầu tư ngày một tăng cao. Nghĩa là qui mô DN có chiều hướng đầu tư lớn hơn (tính trung bình). Theo định hướng của tỉnh, trong giai đoạn từ 2016 – 2020, số lượng DN tăng bình quân 15%/ năm; dự kiến sẽ đạt 8.000 DN vào năm 2020. Đây là một tốc độ tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt được. Cơ sở để tin tưởng vào điều này là trong hai năm 2016 và 2017, dấu hiệu phục hồi và phát triển của DN tư nhân trên địa bàn tỉnh với tốc độ khá. Năm 2016, có 666 DN thành lập mới và năm 2017 có gần 700 DN thành lập mới. Nhìn vào số lượng DN và số vốn đầu tư, chúng ta thấy qua mỗi năm, hai chỉ số này đều cố mức tăng trưởng trên 10%. Đó là chưa tính khối DN đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký cũng khá cao, như trong năm 2016 có khoảng hơn 31.900 tỷ đồng đăng ký đầu tư.
Một chỉ dấu thứ hai cho việc tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Đó là theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Dịch vụ luôn luôn là một ngành tạo ra giá trị gia tăng cao và giải quyết một lượng lao động lớn. Ví dụ như năm 2017, giá trị tăng thêm của các hoạt động dịch vụ nói chung là hơn 13.640 tỷ đồng (giá so sánh so với năm 2010). Chỉ tính riêng lĩnh vực dịch vụ du lịch đã có khả năng tăng trưởng một lượng lớn lao động, khi con số dự kiến đến năm 2020 là 5 triệu lượt khách (năm 2017 đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 16.63% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1.501.226 lượt, tăng 42.57% so với cùng kỳ).
Đối với ngành công nghiệp, giá trị tăng thêm của năm 2017 so với năm 2016 là 12,3%. Một con số không hề nhỏ. Đáng chú ý nhất ở lĩnh vực công nghiệp kỳ vọng tạo ra nhiều công ăn việc làm là ngành công nghiệp dệt may. Hiện nay, ngoài các trung tâm đã được xác định trước đây như văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu… Thừa Thiên Huế đã xã định xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm dệt may và thiết kế thời trang. Thực tế những năm qua ngành này phát triển rất mạnh, đóng góp mọt tỷ trọng lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tạo ra hàng ngàn vị trí việc làm mới.
Để tạo ra việc làm mới, một trong những yếu tố quan trọng là nền kinh tế hấp thụ được vốn đầu tư ngày càng tăng. Vốn đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó có hai nguồn quan trọng nhất là từ DN (DN trong tỉnh, trong nước, nước ngoài) và vốn đầu tư từ ngân sách. Hai nguồn vốn này trong những năm qua đều có mức tăng trưởng tốt, sẽ là những tín hiệu tốt lành cho thị trường lao động phát triển. Vấn đề còn lại là phải tăng cường công tác đào tạo nghề để lực lượng lao động đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế.
Lê Phương