Doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm phỏng vấn người lao động
Ngại đi xa
Sàn giao dịch việc làm đầu năm diễn ra tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cuối tháng 2/2018 có sự tham gia của 22 doanh nghiệp, trong đó có 14 doanh nghiệp chuyên tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cơ hội việc làm khá nhiều với hơn 1.500 vị trí việc làm, từ lao động phổ thông đến cơ hội làm quản lý tại các doanh nghiệp lớn; trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn chiếm số lượng lớn với các công việc, như: giao hàng, lái xe, bảo vệ, công nhân, bán hàng, nhân viên buồng phòng, bảo trì điện... Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng trong ngày diễn ra giao dịch, lượng người lao động đăng ký tìm việc làm chưa tương xứng với nhu cầu, với khoảng 285 lượt lao động tham gia sàn.
Về xuất khẩu lao động (XKLĐ), có 14 doanh nghiệp tham gia tuyển XKLĐ với số lượng lớn, chủ yếu là kỹ sư, điều dưỡng, công nhân nhà máy, giúp việc gia đình ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Ả Rập. Tuy nhiên, lượng người đến đăng ký ít ỏi. Có doanh nghiệp ngồi chờ mãi không có ai đăng ký nên bỏ về.
Bà Võ Uyên Vy, Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty Hiteco cho hay: “Năm qua, Công ty Hiteco đưa 1.000 lao động đi Nhật, trong đó có 100 lao động ở Thừa Thiên Huế. Lao động của Thừa Thiên Huế có tính tuân thủ kỷ luật cao, học tiếng Nhật tốt hơn so với lao động ở các địa phương khác. Chỉ có điều người lao động ở đây còn tâm lý ngại đi xa. Trong phiên giao dịch này, Hiteco dự kiến tuyển 50 người, chủ yếu các ngành nghề: cơ khí, điện tử, may, lương từ 20-40 triệu đồng/tháng”.
Tại sàn giao dịch việc làm chuyên đề được tổ chức dành riêng cho Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim diễn ra vào cuối năm 2017, dù nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chưa đến 100 lao động, song đã có trên 1.600 người đăng ký. Trong sàn giao dịch cuối tháng 2/2018 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, rất nhiều lao động nộp hồ sơ dự tuyển vào Trung tâm Thương mại Vincom Hùng Vương- Huế. Điều đó cho thấy, tâm lý người lao động muốn tìm những doanh nghiệp có công việc ổn định, làm việc gần nhà, chính sách đãi ngộ tốt.
Ông Đinh Xuân Thái, Phòng Tuyển dụng, Công ty TNHH Kinh doanh Dịch vụ tổng hợp Vincom cho biết: “Chúng tôi tuyển dụng cho Vincom Huế khai trương vào giữa tháng 5/2018, dự kiến cần 160 lao động, từ lao động phổ thông đến có trình độ ở các vị trí buồng phòng, vệ sinh công cộng và khối kỹ thuật, ưu tiên những người có trình độ phù hợp, kinh nghiệm. Nguồn lao động ở Huế khá dồi dào, có trình độ, khả năng giao tiếp khá tốt, tác phong phù hợp với các vị trí tuyển dụng của Vincom Huế”.
Nắm bắt cơ hội
Từ đầu năm 2018, đã có 1.500 vị trí việc làm đang chờ lao động, với nhiều ngành nghề, mức lương làm việc ở trong tỉnh bình quân khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thị trường XKLĐ hiện rất rộng mở với nhiều ngành nghề ở các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... có thu nhập cao, là cơ hội cho người lao động. Tuy vậy, trong khi lượng người thất nghiệp khá cao thì nhiều vị trí việc làm đang chờ người lao động.
Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Rất nhiều lao động muốn tìm việc nhưng khi tổ chức sàn giao dịch việc làm thì họ không đến. Doanh nghiệp đến tuyển dụng lại không có lao động đăng ký. Đây là nghịch lý xảy ra ở nhiều phiên giao dịch việc làm. Với các phiên giao dịch việc làm tổ chức ở các huyện cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dù Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thông báo rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh, mạng xã hội, thông báo cho lãnh đạo thôn vận động thanh niên tham gia nhưng cũng ít người đến”.
Ở khía cạnh khác, số lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học ở Huế đang thất nghiệp khá đông nhưng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nên phần lớn lượng lao động có trình độ này không thể dự tuyển.
Nguyễn Viết Công (thị xã Hương Trà) than thở: “Ở Huế, học ra trường được làm đúng chuyên ngành rất khó vì tất cả các doanh nghiệp cần lao động có trình độ chuyên môn đều đã kín người. Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm đi tìm việc rất khó”. Tương tự, dù tốt nghiệp Đại học Kinh tế chuyên ngành Kế toán nhưng Trần Thị Hạnh (sinh năm 1993, TP. Huế) chỉ đăng ký xin làm nhân viên bán hàng ở Công ty Hoa Sen. Hạnh chia sẻ: “Dù có trình độ đại học nhưng em chỉ dám xin làm chân bán hàng vì ngại chưa có kinh nghiệm, trong khi vị trí kế toán yêu cầu phải có kinh nghiệm”.
Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân khiến việc cung - cầu chưa gặp nhau là vì mức lương của phần lớn doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm không cao. Trong khi đó, người lao động có nhu cầu lựa chọn những công việc tốt hơn, kỳ vọng mức lương cao hơn. Một trở lực nữa là nhiều lao động vẫn ngại đi xa.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã nỗ lực trong việc kết nối, tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, kể cả doanh nghiệp ngoài tỉnh, tham gia sàn việc làm. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền rộng rãi nhu cầu tuyển dụng. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự lựa chọn của người lao động, nắm bắt cơ hội và chuẩn bị thật tốt về chuyên môn, tay nghề, tâm lý... để chọn cho mình việc làm phù hợp.
Bài, ảnh: Minh Hiền