ClockThứ Bảy, 01/05/2021 15:24

Lo bữa ăn, nhà ở cho người lao động

TTH - Được công đoàn kề vai sát cánh, bữa ăn ca của người lao động ngày càng được cải thiện. Không ít người lao động khó khăn cũng được hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”.

Khởi công “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên khó khăn tại huyện Quảng Điền

Công nhân Công ty Dệt may Huế ăn ca

Đảm bảo bữa ăn chất lượng

Gần 12h trưa, hàng chục suất ăn, mỗi suất gồm cơm và thịt heo rim, cá ngừ kho thơm và cà chua, rau muống xào, canh mướp đắng với thịt được nhà ăn của Công ty TNHH MTV TMDV Xuất nhập khẩu Vina Potential (TP. Huế) bày sẵn trong từng khay cá nhân, có nắp đậy cẩn thận. Đúng 12h, toàn bộ cán bộ, công nhân công ty đều có mặt tại bàn ăn, bắt đầu bữa ăn ca của mình. Tôi cũng được nhà ăn “ưu ái” cho một suất.

Chị Huỳnh Thị Hồng Nga, ngồi ăn cạnh tôi nhận xét: “Các món ăn ở đây được chế biến gần giống các món ăn thường ngày trong gia đình, hợp với khẩu vị nên tôi ăn thấy ngon miệng”.

Chứng kiến hầu hết công nhân ăn hết khẩu phần ăn, chị Trương Thị Ngọc Phú, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, thời gian đầu, nhiều công nhân không ăn hết suất ăn của mình, vì vậy công đoàn đã khảo sát, lấy ý kiến rồi đổi lại đầu bếp, phải đổi lần thứ 3 mới chọn được người phù hợp. “Bên cạnh phải cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, người đầu bếp còn phải nấu ăn ngon, hợp khẩu vị phần đông công nhân”, chị Phú cho hay.

Theo ông Phạm Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Xuất nhập khẩu Vina Potential, công ty được thành lập 2018, sau đó gặp dịch nên gặp những khó khăn nhất định. Hiện mức thu nhập của công nhân dao động từ 4 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng, tùy từng tay nghề. Riêng suất ăn ca, mỗi công nhân là 18 ngàn đồng. “Để khẳng định là ngon thì chưa thực sự đúng, nhưng chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo bữa ăn no cho công nhân để đủ năng lượng sản xuất”, ông Phúc nói.

Suất ăn của người lao động ở Công ty TNHH Vitto Phú Lộc, KCN La Sơn (huyện Phú Lộc) hôm chúng tôi đến gồm cơm, tôm rim, nộm tai heo, củ cải xào, canh rau dền với tôm và một hộp sữa chua tráng miệng. 

Theo anh Huỳnh Thế Thùy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vitto Phú Lộc, một suất ăn như thế trị giá 18 ngàn đồng chưa bao gồm điện nước, phí phục vụ và được áp dụng cho ca trưa và ca chiều, riêng ca tối được tăng thêm 2 ngàn đồng. Suất ăn được Công ty TNHH Vitto Phú Lộc áp dụng từ sau hội nghị người lao động của công đoàn công ty tổ chức vào cuối năm 2019.

 Tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn

“Sức khỏe là quan trọng. Được thưởng thức bữa ăn ca đủ chất dinh dưỡng và hợp khẩu vị, người lao động cảm thấy mình được chăm lo, họ sẽ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để phục vụ cho công việc, qua đó sẽ giúp công ty đạt được năng suất công việc như mong muốn. Tôi thường chia sẻ như vậy khi thương lượng với người sử dụng lao động”, anh Huỳnh Thế Thùy cho biết.

Chị Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh cho hay: Đảm bảo bữa ăn chất lượng cho công nhân lao động là nhiệm vụ luôn được Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh quan tâm. Theo đó, đơn vị đã vận động, hướng dẫn các công đoàn cơ sở đàm phán, thương lượng nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân vào thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện qua phản hồi của công nhân và cùng trải nghiệm bữa ăn ca... Hiện có 70% doanh nghiệp ở các Khu Kinh tế, Công nghiệp có tổ chức công đoàn đảm bảo suất ăn cho công nhân từ 18 ngàn đồng/suất trở lên, còn lại từ 16  ngàn đồng.

Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cũng thông tin: Toàn bộ các suất ăn ca của công nhân trên địa bàn tỉnh hiện nay dao động từ 16 ngàn đến 35 ngàn đồng/suất, trong khi quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra cho mỗi suất ăn ca của công nhân phải từ 15 ngàn đồng trở lên.

Giúp người lao động an cư

Niềm vui có ngôi nhà mới hiện rõ trên gương mặt chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên Công ty TNHH Laguna (Lăng Cô, Phú Lộc). Hoàn cảnh chị rất khó khăn, cả gia đình 6 miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương công nhân của chị. Từ nhiều năm nay, gia đình chị tá túc trong ngôi nhà dựng tạm từ những tấm tôn cũ. Cuối năm 2020, được Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng “Mái ấm công đoàn”, chị Liên vay mượn thêm để ngôi nhà được hoàn thiện. “Đêm đêm, nhìn các con an yên đi vào giấc ngủ trong ngôi nhà kiên cố, tôi biết ơn tấm lòng của các cán bộ công đoàn”, chị Liên bộc bạch.

Trong ngôi nhà rộng hơn 100m2, chị Lê Thị Kim Anh, đoàn viên Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế đang tranh thủ thời gian nghỉ ca để lau dọn nhà cửa. Chị kể, ngôi nhà được khánh thành gần một năm nay với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Trong đó, chị được LĐLĐ TP. Huế hỗ trợ 30 triệu đồng và tạo điều kiện vay 20 triệu đồng ưu đãi.

Chị Liên, chị Kim Anh là hai trong nhiều đoàn viên công đoàn được LĐLĐ các cấp đồng hành, tạo cơ sở ban đầu để các chị chạm đến giấc mơ có nhà kiên cố để ở.

“Có an cư, công nhân mới yên lao động sản xuất. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh luôn tìm cách hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho người lao động. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm LĐLĐ tỉnh trao 40 “Mái ấm công  đoàn”. Tháng Công nhân sắp tới, LĐLĐ tỉnh sẽ trực tiếp trao 30 nhà cho người lao động còn gặp khó khăn về nhà ở, phấn đấu trong năm nay có từ 40 đến 45 “Mái ấm công đoàn”, ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh khẳng định.

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển”, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình thực hiện Tháng Công nhân năm 2021 với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Trong đó tập trung thực hiện bốn hoạt động trọng tâm gồm: Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”; chương trình “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ” với đoàn viên, người lao động; tổ chức các hoạt động “Cảm ơn người lao động”; tuyên dương đoàn viên, CNVCLĐ.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

Làm việc trên cao luôn là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi sự tập trung, kỹ năng và trang bị an toàn tuyệt đối. Hình ảnh những công nhân xây dựng, thợ sơn, hay nhân viên bảo trì mất thăng bằng, ngã từ độ cao có thể khiến nhiều người rùng mình. Những vụ tai nạn lao động đáng tiếc này không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề cho nạn nhân và gia đình, mà còn gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, với một thiết bị bảo hộ lao động quan trọng như dây đai an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro tai nạn đáng tiếc.

Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao
Chủ động giám sát để bảo vệ người lao động

Chủ động kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa sai phạm và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn tại các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã và đang được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền chú trọng.

Chủ động giám sát để bảo vệ người lao động
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu

TIN MỚI

Return to top