Hội viên Chi hội Phụ nữ 1 phường Thủy Phương tham gia mô hình "Thu gom phế liệu"
Thời gian đầu triển khai, không ít người còn thờ ơ, không nhiệt tình tham gia vì cho rằng, việc thu gom phế liệu vừa mất vệ sinh mà tiền bán phế liệu chẳng đáng là bao. Hội tổ chức nhiều buổi sinh hoạt tuyên truyền, phân tích rõ tầm quan trọng của mô hình, nhờ đó, chị em hiểu rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với việc BVMT. Các chị đã hiểu được việc phân lại rác rất đơn giản, không ảnh hưởng đến thời gian, tiền bạc mà có ý thức là được. Vì vậy, các loại rác có thể bán phế liệu được, gồm: chai, lọ, sách, báo, bao bì, giấy vụn…, các chị cho vào một thùng đựng rác riêng, lúc nào tiện thì mang đến tập kết tại nhà chi hội trưởng.
Mô hình “Thu gom phế liệu” được Chi hội Phụ nữ 1 thuộc Hội LHPN phường Thủy Phương thực hiện thí điểm vào cuối tháng 6/2017 với 120 hội viên tham gia (đạt 100%). Trong buổi phát động đầu tiên, không khí rất rộn ràng nhờ hội viên tham gia khá đầy đủ. Chị nào cũng đưa đến nguồn phế liệu thu gom được để đóng góp. Chị Nguyễn Thị Lan, hội viên Chi hội Phụ nữ 1 cho hay: “Nhờ có sự động viên của Hội LHPN phường, chúng tôi không tìm lý do để thoái thác nữa, mỗi người tự gom phế liệu để bán thì quả là chẳng được bao nhiêu, nhưng “tích tiểu thành đại”, vừa mang lại hiệu quả cao vừa xây dựng tính nhân văn trong tình làng nghĩa xóm”.
Hàng tháng, Ban điều hành mô hình cùng với chị em trong chi hội tổ chức phân loại phế liệu đã gom được để bán. Sau tháng đầu tiên thực hiện, số tiền bán phế liệu thu được hơn 350 nghìn đồng. Theo tính toán sơ bộ, nếu cả 12 chi hội trên địa bàn phường Thủy Phương với hơn 1.800 hội viên cùng tham gia thực hiện, số tiền nhân lên trong vòng vài tháng có thể hỗ trợ cho gia đình hội viên gặp khó khăn đột xuất hoặc giúp những gia đình hội viên nghèo nguồn vốn nhỏ để bắt đầu buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt…
Chị Nguyễn Thị Búp, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Phương khẳng định: “Từ sự hào hứng của hội viên và sự tích cực của Hội LHPN phường, hy vọng mô hình “Thu gom phế liệu” sẽ được duy trì và nhân rộng nhanh trên địa bàn, từ đó, nhiều phụ nữ nghèo sẽ sớm được chia sẻ; đồng thời, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN