Thế giới
Đông Á - Thái Bình Dương trước những thay đổi kinh tế mới:

Vai trò của công nghệ trong tăng trưởng và việc làm

ClockThứ Sáu, 25/10/2024 17:23
TTH.VN - Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) từ lâu được xem là ngọn hải đăng của tăng trưởng kinh tế khi liên tục vượt trội hơn nhiều khu vực khác trên thế giới.

“Điểm nóng” về trung tâm dữ liệu toàn cầuAI “làm tăng tốc cuộc khủng hoảng khí hậu”Microsoft công bố khoản đầu tư lớn nhất trong 32 năm hoạt động tại MalaysiaSoftBank sẽ triển khai các dịch vụ y tế dựa trên AI nhằm điều trị ung thư

 Các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cần nỗ lực tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh minh họa: congthuong.vn/Trang Thông tin Đối ngoại

Theo Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 10/2024: Việc làm và công nghệ, khu vực này được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 4,8% vào năm 2024. Tuy nhiên, bất chấp hiệu suất mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn so với mức trước dịch. Đến năm 2025, tăng trưởng của khu vực dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,4%.

Trung Quốc, quốc gia từng là động lực chính thúc đẩy động lực kinh tế của EAP đang chậm lại. Sự kết hợp của những thách thức dai dẳng như già hóa dân số, thị trường bất động sản suy yếu và căng thẳng toàn cầu gia tăng đã ảnh hưởng đến khả năng duy trì, cũng như mức ảnh hưởng kinh tế của trung Quốc đến các nước láng giềng.

Những thách thức này phản ánh sự thay đổi trong động lực tăng trưởng của toàn khu vực, nơi các quốc gia cần giảm phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, cùng lúc tăng cường sự phụ thuộc vào các động lực trong nước để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Đối với các quốc gia thành viên, như Việt Nam, Malaysia và Indonesia, điều cần thiết là theo đuổi cải cách cơ cấu bị trì hoãn từ lâu và thúc đẩy đổi mới để gia tăng hiệu quả kinh tế.

Công nghệ phá vỡ thị trường lao động truyền thống

Một trong những tác động sâu sắc nhất đến nền kinh tế của khu vực là sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Sự phát triển của robot, nền tảng kỹ thuật số và số hóa rộng hơn đang chuyển đổi thị trường việc làm, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như sản xuất, điện tử và ôtô. Trong khi các công nghệ này thúc đẩy năng suất của công ty, song cùng lúc, chúng cũng mang lại những thay đổi đáng kể trong mô hình việc làm.

Các công việc thủ công thường ngày, từng chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương đang ngày càng có nguy cơ bị thay thế bởi robot. Những người lao động có kỹ năng thấp, đặc biệt là những người làm các công việc lặp đi lặp lại dễ bị mất việc hơn, trong khi nhu cầu về người lao động có kỹ năng cao hơn lại tăng vọt.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, tự động hóa đang tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những người lao động có kỹ năng như kỹ sư, quản lý và chuyên gia công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, việc áp dụng robot nhanh chóng đi kèm với một nhược điểm. Khi robot tiếp quản các công việc thường ngày, công việc của nhiều lao động phi chính thức lại bị thay thế. Xu hướng này được nhìn thấy ở các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nơi những người lao động có trình độ thấp thường bị bỏ lại phía sau.

Tác động của AI và khoảng cách kỹ năng

Ảnh hưởng của AI trong khu vực đang gia tăng, nhưng khác biệt lại là rất đáng kể so với ở các nền kinh tế tiên tiến hơn. Trong khi robot đang thay thế người lao động chân tay, AI đang tác động nhiều hơn đến các vai trò dựa trên nhận thức, đặc biệt là trong các ngành liên quan đến việc ra quyết định và xử lý nhiệm vụ. Người lao động trong các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng, công việc văn phòng và một số vai trò hành chính đang ngày càng có nguy cơ.

Một thách thức lớn khác là khoảng cách kỹ năng. Khu vực này, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Campuchia và Lào có tỷ lệ lao động có kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng kỹ thuật số tương đối thấp. Tình trạng thiếu sinh viên tốt nghiệp ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) là một vấn đề chính. Để duy trì khả năng cạnh tranh và giảm thiểu tác động của công nghệ đối với việc làm, báo cáo nhấn mạnh các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cần đầu tư đáng kể vào giáo dục, kiến thức số và đào tạo kỹ thuật.

Lời kêu gọi cải cách chính sách

Để Đông Á - Thái Bình Dương khai thác được lợi ích của thay đổi công nghệ, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị một số cải cách quan trọng. Đơn cử, các chính phủ cần tập trung vào việc tăng cường khả năng đi lại của lao động, giảm rào cản pháp lý và khuyến khích đổi mới. Ngoài ra, tăng chính sách bảo vệ lao động phi chính thức, đặc biệt là thông qua các chương trình bảo hiểm xã hội, bởi đây là điều cần thiết để giảm bớt tác động của tình trạng thay đổi việc làm.

Công nghệ không nên chỉ được coi là tác nhân gây gián đoạn, mà còn là công cụ mạnh mẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thách thức đối với các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là tạo ra sự cân bằng giữa tận dụng công nghệ để tăng năng suất trong khi vẫn đảm bảo người lao động được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển trong một thế giới ngày càng tự động hóa.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản

Với lợi thế từ sự bùng nổ dân số và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, Đông Nam Á đang sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ bất động sản, với nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể giữa nhiều thách thức, các nhà lãnh đạo ngành này cho biết tại Hội nghị Công nghệ châu Á được tổ chức tại Jakarta ngày 23/10.

Đông Nam Á nổi lên như một “điểm nóng” về đổi mới công nghệ bất động sản
Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi
Việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng cao kỷ lục

Một báo cáo chung về năng lượng tái tạo và việc làm năm 2024 vừa được Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố cho thấy, số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã chứng kiến mức tăng lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2023, tăng lên 16,2 triệu việc làm từ mức 13,7 triệu của năm 2022. Mức tăng 18% này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm cả sự gia tăng về công suất phát điện và các hoạt động sản xuất thiết bị.

Việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng cao kỷ lục
Return to top