Lao động địa phương có việc làm ổn định từ mô hình keo giống của chị Hồ Thị Mỹ Ni
Đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TX. Hương Thủy là 2,99%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,55%. Tuy thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng những con số này - nói như bà Võ Thị Minh Thảo, Trưởng phòng Lao động, Thương binh & xã hội TX. Hương Thủy - là chưa như mong muốn.
Trung tuần tháng 10/2019, trong lúc trao đổi, như sực nhớ, bà Thảo phấn khởi khoe: “Từ đầu năm đến nay, tuy có tái nghèo 1 hộ, phát sinh 31 hộ nghèo và 94 hộ cận nghèo, nhưng nhìn chung tỷ lệ đã giảm rõ rệt. Hiện tỷ lệ hộ nghèo là 2,64 và cận nghèo là 3,21%. Tuy đây vẫn là con số chưa chính thức, nhưng trên cơ bản rất đáng mừng”.
Thẳng thắn nhìn nhận, nguyên do tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thị xã thấp và giảm qua mỗi năm, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại, bên cạnh vốn dĩ Hương Thủy có nền tảng kinh tế khá hơn so với một số địa phương khác, thì một phần nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ những đầu tư của chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân, hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa... ngày càng hoàn thiện, góp phần rất lớn trong việc cải thiện sinh kế cho người nghèo, cận nghèo.
Nhưng nếu chỉ như vậy là không đủ. Bởi để thoát nghèo, bên cạnh những hỗ trợ, kêu gọi giúp đỡ về vốn vay, nhà ở, về mô hình phát triển kinh tế... của UBMTTQ Việt Nam thị xã, của chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà hảo tâm thì tự bản thân người nghèo phải ý thức để phấn đấu vượt khó, thoát nghèo là điểm mấu chốt.
Thông qua nguồn vốn do Hội Phụ nữ bảo lãnh, chị Hồ Thị Mỹ Ni (thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa) cùng chồng quyết định đầu tư vườn ươm keo giống và trồng rừng. Sau một vài lần thất bại, có khi tưởng chừng gục ngã do vốn ít, nhưng bằng sự kiên trì, quyết tâm vượt khó, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, hiện vườn ươm của vợ chồng chị Ni mỗi năm xuất ra thị trường hơn một triệu cây keo giống. Cộng với 2ha rừng keo đã đưa vào khai thác, mỗi năm mô hình này cho thu nhập gần 200 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. “Vợ chồng tôi tiếp tục đầu tư mô hình trồng bưởi da xanh và đang nghĩ cách mở rộng diện tích”, chị Ni chia sẻ.
Sau khi rời quân ngũ, năm 1994, ông Võ Văn Lâm (P. Thủy Phương) quyết định lập nghiệp ở xã miền núi Dương Hòa. Suy đi tính lại, ông Lâm quyết định nuôi bò. Sau thời gian chăm bẵm, từ một con bò giống ban đầu, đàn bò của ông có thời điểm lên đến 100 con. Đến năm 2003, ông Lâm bán bớt bò để đầu tư trồng rừng và phát triển trang trại, nuôi thêm gà, dê, ba ba, cá và lợn rừng...
“Sau 25 năm lập nghiệp, điều tôi “sướng” nhất không phải là thu nhập mỗi năm 200-300 triệu đồng mà là đã mở gần 5km đường từ trục đường chính của xã vào rừng, giúp bà con thuận lợi khai thác, trồng rừng để vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống”, ông Lâm nói.
Để chuyển tải được hết bức tranh quyết tâm vượt khó, phấn đấu thoát nghèo của người dân Hương Thủy là điều rất khó khi mà ở mỗi xã, phường của địa phương này đều xuất hiện rất nhiều gương tiêu biểu mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất… cùng những mô hình hay, hiệu quả. Đó là: “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế”, “Tiết kiệm xanh giúp phụ nữ khởi nghiệp”, quỹ tiết kiệm tại chỗ, quỹ “Vì người nghèo”, đầu tư máy ấp trứng hiện đại, hỗ trợ bò giống luân phiên, trồng hoa, làm chổi đót, trồng nấm, tạo vốn vay ưu đãi luân phiên không lãi suất, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, quỹ vì người nghèo, xây nhà đại đoàn kết...
Ông Trần Tấn Quốc, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TX. Hương Thủy cho biết, để giúp đỡ các hộ nghèo hiệu quả hơn nữa, Hương Thủy đang tiếp tục khảo sát, phân loại cụ thể đối tượng hộ nghèo để lựa chọn các loại hình phát triển kinh tế phù hợp với thế mạnh của từng địa phương từ đó đưa ra định hướng phát triển, mở các lớp đào tạo nghề, các dự án nông nghiệp, xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn vay... phù hợp.
Bài, ảnh: Hàn Đăng