Cải cách hành chính (CCHC) là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trên bình diện chung toàn quốc, Thừa Thiên Huế đã tạo nên dấu ấn đậm nét, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung, dù vậy trên con đường để khẳng định, duy trì và hướng đến thương hiệu từ CCHC vẫn còn lắm gập ghềnh.
Thừa Thiên Huế đang sắp hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đã đến lúc, Huế cần xây dựng vị thế, thương hiệu riêng và có những bứt phá từ công tác cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự phát triển bền vững và hiệu quả.
Trong chỉ số của công tác CCHC, thông điệp chính thường hướng đến là sự thuận lợi, chuyên nghiệp của thủ tục, minh bạch của quy trình, sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền…
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký và Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua khảo sát doanh nghiệp (DN) FDI và các DN trong nước nhiều năm, ông nhận thấy rằng các nhà đầu tư chất lượng, có công nghệ, có giá trị gia tăng cao thường đánh giá và có nhu cầu cao về những yếu tố trên. “Chính vì thế khi Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì cần phải nhắm đến nhóm các nhà đầu tư quan trọng và khó tính này. Nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi là hết sức cần thiết, giúp chọn lọc và tăng sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư chất lượng cao”, ông Tuấn nói.
|
Cải cách hành chính là động lực thu hút các nhà đầu tư
|
Có một điều phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong công tác CCHC không phải chỉ nhìn vào thành tích để đánh giá một cách toàn diện, mà cần phải đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân đạt được hiệu quả thực sự.
Đối chiếu với thực tiễn ở Thừa Thiên Huế, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công – Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đang có nhiều thách thức cần được xem xét kỹ lưỡng.
Bà Huyền dẫn chứng việc hiện nay, nhiều công chức, đặc biệt là ở cấp xã, đang chịu áp lực lớn. Họ phải đảm nhiệm quá nhiều công việc mà đáng lý ra người dân cần tự thực hiện. Chẳng hạn, khi làm thủ tục trực tuyến, thay vì người dân tự làm, công chức làm hết mọi khâu và chỉ yêu cầu người dân ký hoặc xác nhận cuối cùng. Điều này không đúng với mục tiêu của dịch vụ công trực tuyến và cũng tạo thêm gánh nặng cho công chức.
|
Tập huấn công nghệ số cộng đồng, nhằm phục vụ tốt hơn công tác chuyển đổi số
|
“Chúng ta cần có những biện pháp để giảm bớt áp lực này, đặc biệt là tại các địa phương nông thôn, nơi người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ. Điều quan trọng là phải có một mạng lưới hỗ trợ tốt, ví dụ như tổ chức Đoàn thanh niên hoặc trưởng thôn, giúp người dân làm quen và thực hiện TTHC trực tuyến. Nhóm này cần được hướng dẫn cẩn thận để trở thành đầu mối hỗ trợ cộng đồng”, bà Huyền góp ý.
Nói về “giữ lửa” trong CCHC, bà Đỗ Thanh Huyền bày tỏ, trong CCHC, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng, thậm chí quyết định đến hiệu quả thực thi chính sách. Người dân và DN thường không có nhiều cơ hội gặp gỡ lãnh đạo cấp cao, nhưng họ tiếp xúc thường xuyên với cán bộ tại bộ phận "một cửa". Nếu ngọn lửa cải cách được truyền tới cấp cơ sở một cách hiệu quả, thì chính sách sẽ được thực thi tốt hơn. Thứ hai, người đứng đầu có trách nhiệm tạo động lực và khuyến khích cán bộ trong hệ thống tham gia tích cực vào việc triển khai công việc. Họ cũng phải đảm bảo việc đánh giá cán bộ công bằng, dựa trên kết quả công việc. Quan trọng hơn, sự quyết tâm của người lãnh đạo cần tạo ra một hệ thống vận hành hiệu quả, hình thành văn hóa làm việc ổn định, để dù có thay đổi nhân sự, tổ chức vẫn phát triển bền vững.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tham quan các gian hàng của doanh nghiệp
|
Dưới góc nhìn của chuyên gia chiến lược phát triển kinh tế Trần Sỹ Chương, ông nhìn nhận DN Thừa Thiên Huế rất may mắn khi có chính quyền thân thiện, gần gũi, luôn lắng nghe và đồng hành cùng DN. Điều này giúp DN dễ dàng chia sẻ những khó khăn và đề xuất những giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, ông Trần Sĩ Chương cũng kỳ vọng chính quyền Thừa Thiên Huế cần có tầm nhìn rộng hơn trong việc xây dựng các chiến lược dài hạn. Ông Trần Sỹ Chương cho rằng: “Tiềm năng văn hóa của Huế tương đương Hàn Quốc, Nhật Bản hay nhiều quốc gia khác nữa. Thế nhưng, Huế vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng, vị thế vốn có. Có thể nhận diện được, đó là những vấn đề cần thiết trong cải cách về chiến lược”, ông Chương nói.
|
|
Có một điều đáng mừng, hằng năm, ngay sau khi các chỉ số về CCHC được công bố, kế hoạch duy trì và nâng cao các chỉ số CCHC được tỉnh kịp thời xây dựng triển khai. Các kế hoạch cũng chỉ ra hạn chế và đề ra quyết tâm nghiêm túc thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp khắc phục với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và lấy DN làm trung tâm.
|
Hội thi cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ
|
Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, những hạn chế, vướng mắc trong công tác CCHC phần nào đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân, tổ chức, DN đối với hoạt động công vụ của cơ quan Nhà nước và công tác thu hút đầu tư.
Ông Bình cho rằng, đích đến để khẳng định vị thế trong CCHC là phục vụ tốt người dân và DN. Chính quyền làm tốt điều này đồng nghĩa với việc thành công trong cải thiện và nâng cao các chỉ số CCHC.
Thực hiện mục tiêu cốt lõi này, Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và DN. Rà soát từng chỉ tiêu thành phần, xác định rõ nguyên nhân, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành trong việc triển khai tại đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện và kiểm tra báo cáo thường xuyên để duy trì, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
|
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh đóng vai trò hạt nhân trong tiến trình cải cách hành chính của tỉnh
|
“Chẳng hạn, để cải thiện chỉ số Quản trị điện tử, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, đảm bảo cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử. Bổ sung các tiện ích phục vụ người dân, tổ chức và DN trên Cổng dịch vụ công tỉnh; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ kê khai hồ sơ cho cá nhân, tổ chức nộp trực tuyến được dễ dàng thuận lợi. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết và sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc khai thác tìm hiểu những chính sách, pháp luật của tỉnh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Thừa Thiên Huế đang rất gần. Đây là động lực để Thừa Thiên Huế bứt phá trong thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp CCHC để phục vụ người dân và DN.
|
Đoàn viên thanh niên về tận nhà dân để hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Với mục tiêu tiếp tục chinh phục thứ hạng top 10 của 4 chỉ số quan trọng vừa là động lực nhưng cũng đầy áp lực khi luôn xuất hiện những vấn đề phức tạp hơn, đòi hỏi năng lực quản trị địa phương ở tầm cao hơn. Công nghệ gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gắn với phát triển xanh, nhân lực chất lượng cao gắn với làm chủ công nghệ là những thách thức cần phải bắt kịp và vượt qua.
Tỉnh sẽ thực hiện giải pháp gắn chuyển đổi số trong thực hiện các TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện các TTHC. Đồng thời, thu thập ý kiến phản hồi của các DN để có điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời về vấn đề thực hiện thủ tục cấp giấy phép con; chú trọng về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trong quá trình đón tiếp và giải quyết TTHC với người dân và DN.
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu gây phiền hà người dân, DN của một bộ phận cán bộ, công chức liên quan đến giải quyết các TTHC để hạn chế việc cán bộ lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở của chính sách để sách nhiễu gây phiền hà, tham nhũng”, ông Bình nói.
Đổi mới và cải cách được xác định là một quá trình liên tục, không có điểm dừng, chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc. Với tiềm năng cải cách vẫn còn rất lớn và dư địa còn nhiều, Thừa Thiên Huế đang không ngừng nỗ lực mở rộng không gian cải cách; tập trung triển khai các giải pháp nhằm đưa công tác CCHC lên một tầm cao mới, hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
|
Lãnh đạo tỉnh đối thoại, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
|
Hiện, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ. Đây là điểm sáng trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc đồng hành cùng DN.
Để CCHC có bước chuyển biến thật mạnh mẽ thì các giải pháp cần phải được thực thi đồng bộ, trong đó sự công khai, minh bạch, việc cải thiện chế độ công vụ và công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính phải được coi là những yếu tố hàng đầu. Tỉnh cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cải cách đơn giản hóa TTHC nhằm hoàn thiện chính quyền số hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, DN.
|
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Quảng Điền
|
“Thừa Thiên Huế luôn xác định, trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không chủ quan, bằng lòng với kết quả đạt được. Ngược lại, tỉnh luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và DN để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ DN, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
|
Nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024
|
Thừa Thiên Huế cũng đang tiếp tục nâng cao năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền. Mở rộng sự kết nối, trao đổi thông tin, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với người dân và DN; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các DN, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là DN vừa và nhỏ.
Nội dung: HẢI THUẬN
Ảnh: HẢI THUẬN - CTV
Thiết kế: QUANG THIỀU