ClockThứ Tư, 06/05/2020 06:00

Mùa Phật đản lan tỏa yêu thương

TTH - Khác với mọi năm, các hoạt động mừng Đại lễ Phật đản năm nay có nhiều thay đổi để phù hợp tình hình phòng, chống dịch COVID - 19; trong đó tập trung vào kết nối trực tuyến với phật tử và đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội.

Công an TP. Huế chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân Đại lễ Phật đản - Phật lịch 2564

Người dân mua sắm tại Gian hàng 0 đồng do chùa Pháp Hải tổ chức

Kết nối trực tuyến

Không trang hoàng lộng lẫy, không nhộn nhịp người tham dự là quang cảnh chúng tôi ghi nhận được tại lễ Khai kinh và lễ Mộc dục (Tắm Phật) mở đầu tuần lễ Phật đản Phật lịch 2564 (2020) diễn ra cuối tháng 4 vừa qua. Bên ngoài hành lang, đội ngũ kỹ thuật viên và quay phim đang túc trực để ghi lại những hình ảnh trang nghiêm của buổi lễ và phát trực tuyến trên nền tảng internet.

Năm nay, các buổi lễ chính thức của đại lễ đều hạn chế dưới 20 người tham dự và được truyền hình trực tiếp. Trong tuần lễ Phật đản, tại trang mạng xã hội của Giáo hội sẽ phát truyền dẫn các bài thuyết giảng của chư tôn thiền đức và một số phóng sự, bản tin về Đại lễ để phật tử xa gần tiện theo dõi.

Ông Đỗ Xuân Lượng, phật tử sống tại phường Thuận Lộc (TP. Huế) cho biết, dù không thể tham gia trực tiếp các buổi lễ nhưng việc theo dõi tại nhà thông qua internet giúp phật tử có thể bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật và cầu nguyện bình an. Đây là cách làm hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, tránh tập trung đông người.

“Các hoạt động đón mừng đại lễ của gia đình cũng không có quá nhiều thay đổi. Việc trang hoàng nhà cửa, bàn thờ hay tụng kinh cầu nguyện hằng ngày vẫn được duy trì. Dù không thể đến tận nơi cửa chùa, nhưng chúng tôi vẫn một lòng thành tâm hướng Phật”, ông Lượng chia sẻ.

Hòa thượng Thích Huệ Phước, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh cho biết, tuy tinh giản một số hoạt động, nhưng Đại lễ Phật đản năm nay vẫn được tổ chức trang nghiêm và chú trọng tính kết nối đến đông đảo tăng ni và phật tử, nhằm khơi dậy tinh thần lạc quan, tiếp thêm sức mạnh để mọi người cùng chống chọi với dịch bệnh.

Hướng về các hoàn cảnh khó khăn

Mùa Phật đản cũng là dịp để giáo hội tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp người, giúp đời, để lan tỏa tinh thần từ bi, hỉ xả, cứu độ chúng sinh của đức Phật. Năm nay, tinh thần tốt đẹp ấy tiếp tục được phát huy để cùng chung tay vượt qua dịch COVID - 19.

Trong những ngày qua, tại chùa Pháp Hải (phường Vỹ Dạ, TP. Huế), lần đầu tiên "Phiên chợ 0 đồng" được tổ chức nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19. "Phiên chợ 0 đồng" do Hòa thượng Thích Thế Trang, Đại đức Thích Nhật Tuệ và tăng chúng chùa Pháp Hải cùng phật tử và các nhà hảo tâm đứng ra tổ chức.

Phiên chợ với đa dạng các mặt hàng nhu yếu phẩm như: gạo, mì ăn liền, đường, sữa, rau quả, trứng… đáp ứng cuộc sống hằng ngày của bà con. Mỗi người sẽ được ban tổ chức phát 10 phiếu mua hàng/ngày, mỗi phiếu tương ứng 5.000 đồng, tùy bà con lựa chọn các mặt hàng tương ứng với giá niêm yết trên sản phẩm.

Dự kiến "Phiên chợ 0 đồng" sẽ diễn ra trong 5 ngày hoặc có thể dài hơn nếu như có thêm nhiều sự trợ duyên khác từ các nhà hảo tâm. Đây cũng chính là hành động thiết thực thể hiện lòng từ bi, trách nhiệm của phật tử trong việc chia sẻ khó khăn đối với bà con nghèo nhân mùa Phật đản. Bà Nguyễn Thị Bướm, người dân phường Vỹ Dạ (TP. Huế) xúc động chia sẻ, cái quý của phiên chợ là người nghèo có thể tham gia như một khách mua hàng, tránh được mặc cảm “đi xin”. Các hàng hóa tại đây đều là nhu yếu phẩm hằng ngày, giúp bà con trang trải cuộc sống trong tình hình hiện nay.

“Nhằm lan tỏa truyền thống sẻ chia, đùm bọc, nhân ái của dân tộc, đồng thời kỷ niệm lễ Phật đản Phật lịch 2564, chùa Pháp Hải đã mở Phiên chợ 0 đồng với tinh thần “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” giúp đỡ những người khó khăn trong địa phương”, Đại đức Thích Nhật Tuệ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Phú Vang, đại diện Ban tổ chức Phiên chợ 0 đồng chia sẻ.

Nhiều chùa và cơ sở tự viện khác cũng chủ động đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Theo thông tin từ Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh, trong tuần lễ Phật đản năm nay, riêng ban từ thiện đã tặng hơn 1.600 suất quà cho người nghèo, bệnh nhân, cô nhi, người mù… trên địa bàn và tỉnh Quảng Trị, với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng.

Trước đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã kêu gọi tăng ni, phật tử cùng quyên góp hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm giúp đỡ đồng bào trong vùng và khu cách ly tập trung. Đến nay, Ban Trị sự đã trao tặng 8.000 khẩu trang y tế và 10 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Ngoài ra, 10 triệu đồng cũng được chuyển đến Mặt trận TP. Huế và 20 triệu đồng chuyển đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Không tổ chức lập lễ đài tập trung đông người, không tổ chức rước Phật, xe hoa, thuyền hoa, chương trình nghệ thuật chào mừng, nhưng bằng những việc làm ý nghĩa trong mùa Phật đản năm nay, các tăng ni, phật tử đã góp phần lan tỏa yêu thương, chia sẻ hạnh phúc với đồng bào, cùng nhau vượt qua đại dịch với tinh thần đạo pháp - dân tộc.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh
Vẫn có nắng trong cơn mưa chiều

Bạn vừa chuyển cho em tấm ảnh đang lội bì bõm trên đường phố lớn, luôn có một câu hài hước như tính bạn thuở nào “Gửi gấp một chiếc thuyền giấy”, kèm theo icon cái miệng cười toe, hở mấy cái răng sún.

Vẫn có nắng trong cơn mưa chiều
Ai có gì giúp nấy, vì miền Bắc yêu thương

Ngoài các tổ chức, đội nhóm, có những cá nhân hướng về đồng bào bị thiên tai phía Bắc với nhiều hành động ý nghĩa như mời ăn, hỗ trợ chỗ ngủ miễn phí, uống cà phê chuyển khoản về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Ai có gì giúp nấy, vì miền Bắc yêu thương

TIN MỚI

Return to top