Sau 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, có 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, trong đó nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ cho để người lao động duy trì việc làm tránh bị sa thải…
Nhiều lao động thất nghiệp tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm để tìm cơ hội việc làm và xin tư vấn học nghề (Ảnh: Kim Thanh/VOV-Trung tâm Tin)
Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tỷ lệ lao động thất nghiệp được hưởng chế độ trợ cấp thấp nghiệp vẫn còn rất thấp.
“Nhìn chung lại có những mặt chưa được, chẳng hạn như số lao động mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp, chế độ đào tạo nghề đang rất thấp, cả nước ước tính năm 2018 mới đạt 4,9% tỷ lệ rất thấp. Chúng tôi thấy chưa hỗ trợ được cho một doanh nghiệp nào để đào tạo hỗ trợ lại cho người lao động, mặc dù chính sách thì có nhưng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chiều cao”, ông Đình Tùng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Lâm Phó Giáo đốc Sở LĐ-TB và XH TP HCM, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những đối tượng vi phạm.
“Người lao động mà họ cố tình vi phạm, họ lĩnh trợ cấp thất nghiệp xong nhưng họ không thông báo là có việc mà họ tiếp tục đi làm ở doanh nghiệp khác sau này mình phát hiện được thì hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý. Có một trường hợp, thông tin tôi nắm được vị này đã lĩnnh trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp 18 triệu và hiện nay đang làm quản lý cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài lương một tháng khoảng 30 triệu, nhưng không trả tiền vi phạm. Đấy thì đối với những trường hợp như thế này đề nghị phải xử lý theo hình thức xử phạt đủ mạnh”, ông Văn Lâm nêu ý kiến.
Nhiều người cho rằng, để chính sách bảo hiểm thất nghiệp đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, nên sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm; quan tâm hơn đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm…
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Doãn Mậu Diệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần phải tập trung giải pháp phòng ngừa hơn là giải quyết hậu quả
Sau 10 năm triển khai ai cũng nhìn thấy rất rõ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta nặng về giải quyết hậu quả, nhẹ về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu việc xa thải hoặc duy trì việc làm cho người lao động.
Mỗi khi người lao động thất nghiệp thì chúng ta giải quyết trợ cấp thất nghiệp, tư vấn và đào tạo, giới thiệu việc làm, nhưng chúng ta thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể duy trì việc làm, đã có nhưng thiết kế quá khắt khe nên đến nay chưa có doanh nghiệp nào nhận được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, Thứ trưởng Mậu Diệp thẳng thắn chia sẻ.
Theo VOV