Trong những năm gian khổ chống Mỹ cứu nước, để tạo nguồn cách mạng cho địa phương, được sự quan tâm của Đảng, cách mạng và Bác Hồ, từ năm 1955 đến 1975, ở A Lưới đã có các học sinh nữ là người dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy được đưa ra học tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Những học sinh này sau ngày giải phóng về lại địa phương đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Nữ trí thức người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng tăng. Như Tiến sĩ Nguyễn Thị Sửu, sinh năm 1973, tên gọi khác là Kê Sửu. Chị là người phụ nữ Tà Ôi đầu tiên có học vị tiến sĩ. Từng là giáo viên dạy ngữ văn tại Trường THPT A Lưới, chị đã có nhiều nỗ lực trong công tác và hiện là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy A Lưới.
Hoặc trường hợp cô giáo Hồ Thị Liên, sinh năm 1973, dân tộc Cơ Tu là cán bộ nữ dân tộc thiểu số trẻ đầu tiên học thạc sĩ tại Trường đại học Hawaii - Hoa Kỳ (2007). Từ giáo viên Trường THPT A Lưới, chị trở thành chuyên viên rồi Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế.
Gần đây, có Thạc sĩ Lê Thị Liên, quê ở xã Bắc Sơn, dân tộc Pa Cô. Chị Liên tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Huế năm 2007, học xong thạc sĩ năm 2011, là chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới năm 2012 đến nay. Thạc sĩ Pacôh Thêm, tên gọi khác là Lê Thị Thêm, quê ở xã Bắc Sơn, dân tộc Pa Cô, học xong thạc sĩ năm 2010, hiện là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện.
Chị Hồ Thị Môn, dân tộc Tà Ôi, quê ở thôn Quảng Mai, xã A Ngo, sau khi chị tốt nghiệp ngành Hành chính thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, Phân hiệu tại Huế, đã trở thành 1 trong 12 gương mặt thuộc đề án đưa trí thức trẻ về xã ở huyện. Ban đầu, chị về làm Phó Chủ tịch, sau bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND xã Hồng Kim và hiện nay là Phó ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân huyện.
Đối với thế hệ trẻ thì có em Hồ Khánh Huyền, dân tộc Tà Ôi, từng là học sinh Trường THPT A Lưới, đã thành công trong nghiên cứu đề tài “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Tà Ôi hướng đến phát triển du lịch về nguồn” để tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2015 - 2016. Đề tài của em đoạt giải ba toàn tỉnh. Hiện em là sinh viên triển vọng của ngành Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học Huế.
Hiện tại, các cơ quan, ban, ngành như: Phòng Văn hóa - Thông tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ, hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn huyện, cán bộ lãnh đạo đều là nữ dân tộc thiểu số. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi trong giai đoạn hiện nay, vấn đề bình đẳng giới đang được đặt lên hàng đầu. Hiện đang có hàng chục cán bộ nữ, giáo viên nữ dân tộc thiểu số đang theo học cao học, trung cấp và cao cấp lý luận chính trị. Thời gian tới, họ sẽ là nguồn lực dồi dào bổ sung cho việc quy hoạch cán bộ nguồn cho huyện A Lưới.
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ nữ trí thức dân tộc thiểu số A Lưới đã thật sự có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước đưa vùng núi Thừa Thiên Huế tiến lên, góp phần tạo vùng động lực phía Tây của tỉnh phát triển bền vững.
Theo TS. Nguyễn Thị Sửu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy A Lưới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số trên các phương thức toàn diện và liên thông. Trong đó, toàn diện về lĩnh vực đào tạo, thành phần xã hội chính trị, đủ mọi lứa tuổi. Về liên thông, sẽ tạo điều kiện để cán bộ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với các loại hình đào tạo nhằm nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn cũng như trình độ lý luận chính trị.
KHÁNH PHONG