Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Cùng làm việc còn có: UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh là thành viên BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh.
Phú Lộc là địa phương thứ 5 BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh làm việc. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, qua làm việc với các địa phương, nhiều vấn đề đặt ra, cũng như chỉ ra những vấn đề cấp thiết cần triển khai và khắc phục với mục tiêu giảm tối đa hộ nghèo. Giảm nghèo hiện nay phải theo hướng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Cuối năm 2022, giảm 231 hộ nghèo
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 03/11/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, BCĐ giảm nghèo bền vững huyện Phú Lộc triển khai các giải pháp, phân công từng thành viên, đơn vị, địa phương để hạ dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Toàn huyện còn 1.519 hộ nghèo với 3.362 nhân khẩu; 1.619 hộ cận nghèo với 4.620 khẩu. Trong tổng số 1.519 hộ nghèo, có 907 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có thành viên nào có khả năng lao động. Có 7 nguyên nhân chính dẫn đến nghèo; trong đó, 2 nguyên nhân cơ bản có tỷ lệ cao là không có lao động và có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn… Huyện phấn đấu từ nay đến cuối năm 2025 còn 878 hộ nghèo; năm 2022, giảm 231 hộ.
Để giảm nghèo hiệu quả, huyện quán triệt và triển khai 11 giải pháp. Đó là, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 24 hộ nghèo; hỗ trợ về nước sạch và công trình nhà vệ sinh cho 41 hộ; hỗ trợ mô hình sinh kế cho 54 hộ; vốn để đầu tư sản xuất và chăn nuôi cho 42 hộ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 57 hộ; hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho 75 hộ; ưu đãi dục- đào tạo cho 28 hộ...
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của các cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Phú Lộc đã đề xuất, kiến nghị với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và các thành viên BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh liên quan đến việc, sớm phân bổ nguồn kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.
Các ý kiến khác mong rằng, BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phú Lộc nói riêng; hỗ trợ giảm nghèo theo từng hộ gia đình; tăng xuất khẩu lao động...
Bắt tay, chỉ việc cho từng hộ nghèo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, huyện nên làm việc với doanh nghiệp để tạo công ăn, việc làm cho hộ nghèo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, 300 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lộc là điều kiện thuận lợi để tạo việc làm cho các hộ nghèo.
Từng hộ đã có từng kịch bản giảm nghèo, vấn đề quan trọng là sự bám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh, chỉ đạo, tuyên truyền, hỗ trợ, động viên hộ nghèo phấn đấu vươn lên. 500 hộ khó khăn có điều kiện lao động, huyện chủ động làm việc với doanh nghiệp để tạo công ăn, việc làm cho họ, tạo động lực giảm nghèo; rà soát lại các danh mục dự án thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Phú Lộc lợi thế có nhiều KKT, KCN, là cơ hội rất lớn về việc làm để giảm nghèo bền vững. Vấn đề đặt ra là, cần có sự đồng bộ về cơ chế của chính quyền địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ nghèo có việc làm ổn định.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, BCĐ giảm nghèo bền vững huyện Phú Lộc cần triển khai thật sát, thật ráo riết giúp từng hộ thoát nghèo bằng được; giảm nghèo theo từng hộ gắn với trách nhiệm của từng cá nhân. Phú Lộc phải là huyện tiên phong trong báo cáo số về hộ nghèo, cận nghèo. Huy động nguồn lực để xóa 70 nhà tạm cho các hộ dân nghèo. Kỳ vọng, huyện Phú Lộc đi đầu trong công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
Bài, ảnh: Anh Phong