|
Chiều muộn, nhưng vợ chồng ông Hòa vẫn miệt mài ủ rơm |
Chúng tôi cùng ông Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang và ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Xuân đến nhà vợ chồng ông Đặng Hòa. Chiều đã muộn, nhưng đôi vợ chồng già vẫn miệt mài trên khoảng sân rộng, thực hiện công đoạn ủ rơm, chuẩn bị cho mẻ nấm mới.
Trên những gương mặt hằn nếp thời gian và sự vất vả là nụ cười mộc mạc, nhẹ nhàng: “Ủ hết số rơm này, chắc tầm 8 giờ tối mới xong, vợ chồng tui còn đạp rơm, gác vào vòm”. Đôi vợ chồng già cũng chia sẻ: Làm nông vất vả lắm. Cứ nghĩ cuộc sống của một gia đình thuần nông, lại nuôi 6 người con, mà chỉ có 1,2 mẫu ruộng (6 nghìn m2) và diện tích vườn tầm 1 nghìn m2, lại không có vốn liếng thì cuộc sống chỉ có thể “chạy ăn từng bữa”, giật gấu vá vai.
“Làm ruộng, làm vườn, không có vốn mua giống, phân, thuốc men…, phải vay lãi cao đến lúc thu hoạch trả gốc, trả lãi hoặc phải “bán lúa non”, xem như chẳng còn được bao nhiêu. Gia đình tôi cố gắng làm nấm rơm, mong kiếm thêm chút thu nhập. Mặc dù vay ngoài lãi quá cao nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi phải vay để mua rơm, mua tre làm vòm, mua các vật liệu khác. Phấp phỏng, lo lắng lắm. Cứ quay vòng luẩn quẩn vậy, cuộc sống sẽ khó thay đổi được” - ông Hòa nhớ lại.
Cách đây 10 năm, gia đình ông Hòa được vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để sản xuất, phát triển kinh tế. Tiền được vay, gia đình ông Hòa dùng mua nguyên liệu làm vòm và sản xuất nấm. Từ 1- 2 vòm nấm, tăng lên 3- 4 rồi 5 -6 vòm; đến thời điểm hiện tại gia đình ông Hòa sản xuất nấm với số lượng 8 vòm nấm rơm mỗi tháng; chi phí để làm 1 vòm tầm 4 triệu đồng. Với “tuổi thọ” 3 – 4 năm, vòm nào hỏng sẽ được đầu tư thay thế vòm mới. “Gia đình tôi làm nấm để bán thường xuyên, chứ không chỉ tập trung vào các dịp rằm, mùng một âm lịch. Lãi ròng từ một vòm nấm là 700 – 800 nghìn đồng. Nếu làm nấm đạt và được giá thì mỗi vòm cho lãi ròng có khi đến 1,5- 2 triệu đồng. Lúc “hơn” lúc “thua”, nhưng trung bình hàng ngày, vợ chồng tôi lãi ròng khoảng vài trăm nghìn đồng/1 vòm nấm” - ông Hòa nói.
Với tinh thần vươn lên, chung tay cùng địa phương giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, dù đã ở “chạm” độ tuổi bảy mươi, song vợ chồng ông Hòa vẫn nỗ lực làm việc. Ngoài liên tục mở rộng mô hình làm nấm, vợ chồng lão nông không để trống một khoảnh đất nhỏ nào. Mùa nào thức nấy, trong vườn nhà luôn xanh tươi các loại hoa màu, bí, bầu
“Qua tháng 11, hết lụt vợ chồng tôi bắt đầu trồng bí, ớt, cà… Thu nhập từ hoa màu cũng đỡ lắm. 1,2 mẫu ruộng, trồng lúa 2 vụ, được mùa cũng trên 7 tấn lúa. Rơm rạ mình sử dụng làm nấm. Bã rơm sau mỗi mẻ nấm lại tận dụng ủ phân, vừa nhà dùng vừa bán cho người dân có nhu cầu” - ông Hòa phấn khởi chia sẻ.
Theo ông Phan Minh Việt, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, hộ gia đình ông Đặng Hòa là một trong những tấm gương về lao động sản xuất và chung tay cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.