Hai thế hệ cùng làm đẹp cho đường phố
Huế xanh là điều ai cũng ghi nhận. Cây xanh ở Huế gồm hệ thống cây xanh đường phố, trong công viên và trong nhà dân. Riêng hệ thống cây xanh công cộng do Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang quản lý là 64.000 cây xanh. Một con số thống kê cho biết, Huế đạt 18,5m2 cây xanh công cộng/người, hơn mức đô thị loại I về chỉ tiêu này. Các trục đường ven sông hiện tại đều đã rợp bóng cây xanh. Trong năm 2019, nhiều tuyến đường cây xanh được tiếp tục trồng mới và chỉnh trang.
Còn sáng? Có đi dạo phố ban đêm mới thấy Huế sáng hơn, đẹp hơn, lung linh hơn rất nhiều. Nhiều lúc tôi đi dạo phố ban đêm không để ý nhiều đến phố phường mà hay nhìn xuống các dòng sông - sông Hương, sông An Cựu, sông Ngự Hà, sông Đông Ba… Mặt nước soi ngược những hàng cây, chiếc cầu, phố phường hai bên, thậm chí là nhịp sống trên đường phố…cũng chính là nhờ “sáng”. Ánh đèn đường là tác nhân chính phản chiếu những hình ảnh này. Cũng như cây xanh vậy – “sáng” cũng sáng của đường phố (công cộng), sáng trong quán xá, công ty xí nghiệp, nhà hàng; sáng cả trong nhà dân. Công nghệ led phát triển, tiêu tốn ít điện năng đã hỗ trợ rất lớn cho điều này.
Đi ngang qua đường Hoàng Hoa Thám vào ban đêm, tôi thấy có một điểm đặc biệt: sân vườn của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Thừa Thiên Huế – Quảng Trị (VDP), gốc cây nào cũng được chiếu sáng bằng ánh đèn hắt sáng. Trụ sở của VDP vốn là một ngôi nhà cũ theo lối kiến trúc Pháp của Thành ủy Huế, nay nhường lại cho ngân hàng này. Kiến trúc này vẫn được giữ nguyên vẹn chỉ sửa sang lại cho nên kiến trúc đã đẹp, sân vườn lại đẹp hơn. Đây chỉ là một ví dụ, không chỉ VDP mà còn nhiều nơi của Huế cũng sáng như vậy, đặc biệt là trục ven sông Hương từ cầu Bạch Hổ kéo dài xuống đến tận Vỹ Dạ.
Còn sạch? Nhận xét thật lòng là Huế chưa sạch như mong đợi. Những tuyến đường phố chính ở vùng trung tâm là sạch đẹp nhưng ra vùng ven một tí là thấy không sạch rồi. Mặc dù chúng ta thấy không thiếu những bảng ngữ: Tuyến phố văn minh, khu phố văn hóa, đường tự quản, đường không rác thải... Tôi có thể chỉ ra bất cứ nơi đâu cũng có rác, những đồ dùng thải loại. Nói cung cách quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là cấp phường chưa hiệu quả, cũng không sai, nhưng chưa chết lý. Bởi, không có chính quyền nào quản nổi nếu ý thức của người dân về chuyện xả rác thải bừa bãi không được nâng cao lên. Họ đi honda, kèm thêm một túi rác vức vào hàng rào, những chỗ vắng vẻ… thì làm sao chính quyền quản lý nổi?
Xây dựng Huế “Xanh - sạch - sáng” là mục tiêu lâu dài của tỉnh. Ảnh: ANH QUÂN
Muốn quản lý được phải có chế tài thật nghiêm khắc và đủ sức răn đe. Nhưng điều này, có vẻ như chúng ta còn thiếu. Cái thiếu nhất là ý thức của mỗi người dân! Nhiều người dân chỉ biết sạch nhà mình, khu vực mình ở chứ không muốn nơi khác sạch. Bởi nhiều người nghĩ như vậy nên nơi nào cũng không sạch. Họ cứ vức rác “chéo” qua nhau. Xin được kể một chuyện nhỏ: mười sáng như chục, tôi đều thấy một phụ nữ dắt chó “đi ngoài”. Không bao giờ cô cho chó đi ngoài trước nhà mình mà trước nhà người khác. Quái lạ thật! Có lần nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng từ ấy gặp nhau, cô cũng chẳng… buồn cười.
Tôi nói ý thức cao của người dân trong việc này là… tiền, nguồn lực là theo nghĩa: mình chung tay tạo ra một môi trường sống sạch sẽ, đẹp đẽ… thì chính người dân mình được hưởng chứ chẳng ai. Sống trong một môi trường sạch sẽ bao giờ cũng sướng hơn trong một môi trường không sạch lắm, thậm chí là bẩn.
Và cái sạch không chỉ để sống mà để sinh ra… tiền. Là một thành phố du lịch, chúng ta có bề dày cảnh quan, văn hóa , nếu chúng ta sạch đẹp nữa sẽ có sức hút hơn đối với du khách. Tiếng thơm đồn xa, có thể khách sẽ “rủ nhau” đến Huế nhiều hơn. Người dân chúng ta thu được tiền từ du khách. Nói “ý thức cao của người dân là tiền” là vậy!
Thôi thì nói gần hơn. Nếu người dân chúng ta vứt rác bừa bãi, chẳng phân loại rác… thì chi phí thu gom sẽ tốn kém hơn. Chí phí này từ đầu mà ra? Một phần là người dân đóng góp (phí môi trường – phí này vừa rồi mới nâng giá cao hơn trước); một phần ngân sách bỏ ra. Tiền ngân sách từ đâu mà có – cũng là từ thuế của dân. Chúng ta có ý thức trong việc này tức là chúng ta sẽ giảm được chi phí. Ngân sách có điều kiện có tiền nhiều hơn để chăm lo những việc khác, như làm thêm một con đường bê tông kiệt xóm, bắt thêm một ngọn đèn đường… chẳng hạn.
Nói ý thức sinh ra tiền chính là như vậy. Và người lại, nếu ý thức kém hoặc không tốt cũng là một yếu tố tiêu tiền vô bổ.
Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: ĐĂNG TUYÊN