ClockThứ Sáu, 19/05/2023 11:16

“Bác Hồ mãi trong trái tim tôi”

TTH - Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Đức, trú tại 9/172 Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc (TP. Huế) đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà ông Đức nằm sâu trong một con hẻm nhỏ tĩnh lặng, yên bình.
leftcenterrightdel
Ông Trần Văn Đức không nguôi kỷ niệm về Bác Hồ 

Những ngày này, ông Đức loay hoay viết về những tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu. Với ông, Bác Hồ luôn mãi trong trái tim mình. Trong câu chuyện, ông kể nhiều về những kỷ niệm được Bác Hồ tặng quà, được làm những việc làm ý nghĩa để tưởng nhớ đến người cha già kính yêu của dân tộc.

Ông Trần Văn Đức đặc biệt hồi tưởng về 2 lần được gặp và được Bác Hồ tặng quà. Với ông, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của bản thân, mà là động lực để ông luôn đặt niềm tin yêu, sự kỳ vọng vào Đảng, Nhà nước và Bác Hồ.

“Không phải tôi khoe về những gì mà mình có, mà điều tôi muốn là thể hiện trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội khi nói về Bác Hồ. Bác vẫn còn đó, còn mãi trong trái tim tôi”, ông Trần Văn Đức bày tỏ. Và rồi, câu chuyện về 2 lần được gặp Bác Hồ, 2 lần được Bác tặng quà theo dòng cảm xúc dâng trào trong ông...

Ông kể, tháng 4/1961, tôi học lớp 4A, Trường Lý Tự Trọng (Hà Nội). Trưa hôm ấy, sau khi gia đình ăn cơm xong, tôi đem chén bát xuống rửa dưới bếp nhà ăn tập thể Trường Bổ túc cán bộ Y tế Trung ương (138 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội). Lúc này, tôi nhìn thấy cái đồng hồ đeo tay hiệu Vi-co-le mạ vàng rất đẹp của cô Tâm, quản lý nhà ăn cởi ra rửa tay để quên trên nắp bể nước. Tôi liền lấy đem về cất và dặn mẹ: Đồng hồ của cô Tâm để quên, con đem về cất. Lát nữa có cô tới hỏi thì mẹ đưa lại cho cô, rồi tiếp tục ra rửa chén bát.

Tôi đang rửa chén bát thì thấy cô Tâm dựng xe đạp hốt hoảng chạy tới hỏi: Cháu có thấy cái đồng hồ của cô để quên ở đây không? Tôi nói có, rồi đi lấy cái đồng hồ đưa lại cho cô Tâm.

Cô Tâm xoa đầu tôi và nói: Cháu giỏi lắm, ngoan lắm. Rồi cô đem chuyện đó báo cáo với Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn của Trường Bổ túc cán bộ Y tế Trung ương.

Tôi nhớ rõ, vào tối thứ bảy 15/5/1961 cũng là ngày kỷ niệm thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, Công đoàn nhà trường phối hợp với Ban Chấp hành Hội Phụ nữ và Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên tổ chức một buổi họp, mời tất cả con em cán bộ, công nhân viên nhà trường tập trung tại hội trường.

Chú Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch Công đoàn nhà trường chủ trì. Chú nói: Bạn Đức nhặt được đồng hồ của cô Tâm đã cho cô xin lại. Bạn ấy đã làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Các cháu khác nên noi gương học tập bạn Đức, không tham lam lấy của người khác để quên hay làm rơi. Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tôi thay mặt trao tặng giấy khen “Cháu ngoan Bác Hồ” và phần thưởng của Công đoàn cho cháu Đức. Lúc này, mọi người trong hội trường vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh.

Tết Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm đó, bác Chân, Hiệu trưởng Trường Bổ túc cán bộ Y tế Trung ương nói chú Khởi lái xe chở tôi tới Câu lạc bộ (CLB) Thống Nhất để dự lễ. Tôi được chú đưa vào ngồi sau hàng ghế của đại biểu. Một lát sau thì thấy Bác Hồ đi vào cùng các bác: Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu và ra trước sân khấu vẫy chào các cháu.

Ông Trần Văn Đức xúc động: Bác Hồ như một ông tiên, râu tóc bạc phơ, mắt sáng, nụ cười hiền hậu. Bác mặc bộ đồ kaki đã bạc màu, chân đi đôi đép cao su. Bác chúc các cháu luôn có sức khỏe, học chăm, học giỏi để sau này đất nước ta được sánh vai với các cường quốc năm châu. Vâng lời cha mẹ, nghe lời thầy cô giáo, chan hòa, đoàn kết với bạn bè, làm theo 5 điều Bác dạy.

Bác bắt nhịp cho chúng tôi hát bài “Kết đoàn”, bài “Giải phóng miền Nam”. Các cô chú phụ trách CLB Thống Nhất bắt nhịp cho chúng tôi hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, rồi đi phát bánh kẹo cho các cháu.

Tôi thấy, Bác Hồ cũng lấy mấy gói kẹo nơi các cô chú phát cho mấy cháu ngồi sau hàng ghế đại biểu. Và tôi cũng được Bác Hồ phát cho 1 gói. Kỷ niệm thiêng liêng này làm tôi nhớ mãi trong lòng.

Rồi tôi lại được đi dự trại hè “Cháu ngoan Bác Hồ” lần thứ nhất ở Sầm Sơn, Thanh Hóa do Trung ương Đoàn tổ chức. Tại đây, chúng tôi được vui chơi ca hát rất lý thú. Tôi còn nhớ mãi bài “Sầm Sơn chúng em” và bài “Biển đẹp quê em”. Rằm Trung thu năm ấy, tôi cũng được chú Khởi lái xe đưa tới CLB Thống Nhất.

Chú vào gặp Ban tổ chức CLB và các cô chú nơi đây sắp xếp tôi được ngồi sau hàng ghế đại biểu. Rồi Bác Hồ lại hiện ra như một ông tiên cùng với bác Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Như lần trước, Bác Hồ lại bắt nhịp cho chúng tôi hát bài “Kết đoàn”, bài “Giải phóng miền Nam”. Các cô chú của CLB Thống Nhất lại bắt nhịp cho chúng tôi hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” và phát bánh kẹo.

Tôi lại được Bác Hồ phát cho 1 gói quà. Như vậy, là tôi đã vinh dự được Bác phát quà 2 lần. Bác luôn quan tâm, dặn dò, dạy bảo các cháu học sinh miền Nam cũng như các cô, các chú cán bộ miền Nam tập kết cũng thường tới đây sinh hoạt phải luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; cố gắng học hành, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ kiến thức; góp sức mình xây dựng XHCN ở miền Bắc và cùng đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để Bác được vô thăm đồng bào, chiến sĩ, các cháu thanh thiếu niên miền Nam ruột thịt…

75 tuổi, trí nhớ có thể quên dần, nhưng trong lòng ông Trần Văn Đức không bao giờ quên lời Bác dạy. Ông luôn thể hiện tình cảm của mình đối với Bác bằng việc sưu tầm, cất giữ lại những bài báo, hiện vật có liên quan đến Người. Đó là những bài báo viết về Người, về những kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng 3/2, về đường lối cách mạng hay những tấm thiệp chúc tết của Bác Hồ, Bằng khen của Bác trao cho người cha của mình, ông Trần Văn Khoa. Ngay cả miếng băng cha để tang Bác Hồ… cũng được ông nâng niu, cất giữ cho đến ngày nay. Với ông tất cả đều là kỷ niệm thiêng liêng, thể hiện niềm tôn kính đối với Bác Hồ, sự trân trọng đối với Đảng, Nhà nước.

Ông Trần Văn Đức chính là một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc sưu tập, trao tặng lại những kỷ vật có liên quan đến Bác Hồ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế. Với ông, đó là trách nhiệm, là thể hiện tình cảm của mình đối với Bác Hồ kính yêu.

Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà: Thành lập Hội Cựu chiến binh liên cơ quan

Ngày 5/12, Hội Cựu chiến binh (CCB) TX. Hương Trà tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam, đồng thời, công bố thành lập Hội CCB Liên cơ quan Thị ủy & Mặt trận đoàn thể.

Hương Trà Thành lập Hội Cựu chiến binh liên cơ quan
Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Cựu chiến binh trên mặt trận mới

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội Doanh nhân – Chủ trang trại (DN – CTT) CCB tỉnh là điểm tựa, đồng hành cùng ước mơ vượt khó, thoát nghèo của nhiều cựu chiến binh (CCB).

Cựu chiến binh trên mặt trận mới
Return to top