ClockThứ Năm, 20/06/2024 08:48

“Báo chí phong trào” một thời ở Huế

TTH - Kể từ khi báo chí theo lối “Tân Văn” chào đời ở Huế vào cuối năm 1913, cho đến ngày đất nước thống nhất tháng 4 năm 1975, đã có gần hai trăm tờ báo các loại xuất hiện ở Huế và dần hình thành nên những dòng báo chí khác nhau: Báo chí yêu nước và cách mạng; báo chí các tôn giáo; báo chí thuần túy khoa học; báo chí theo xu hướng độc lập; và dòng báo chí thân chính quyền quản trị.

Vinh danh 35 tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải Báo chí Hải Triều lần thứ V - năm 2024Tôn vinh những nỗ lực của người làm báo​

 Trang bìa báo Tự Quyết số 1, ra tháng 4/1970 do nhóm: Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Thái Ngọc San, Chu Sơn, Lê Khắc Cầm chủ trương

Sau Hiệp định Genève ký ngày 21/7/1954, đất nước ta tạm chia làm hai miền. Để đi đến sớm thống nhất nước nhà, ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, các phong trào đấu tranh chính trị vùng đô thị bắt đầu nổ ra. Chính từ các phong trào này, ở Huế lại xuất hiện thêm một dòng báo chí mới được gọi chung với cái tên “rất khí thế” là “báo chí phong trào”, gọi như vậy vì nó chỉ ra đời khi có phong trào đấu tranh yêu nước xuất hiện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Thành ủy Huế, các phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh, Nhân dân lao động chống đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tiếp xuất hiện, kêu gọi hòa bình, đòi thống nhất đất nước. Từ các phong trào này đã xuất hiện một loại hình báo chí làm tài liệu tuyên truyền thường được gọi chung với cái tên là “Báo chí Phong trào”. Có tờ báo do tổ chức cách mạng dưới vỏ bọc trá hình được chính quyền Sài Gòn cấp phép xuất bản, có tờ ra đời do Tổng hội Thanh niên Huế thực hiện, có tờ do Khối sinh viên liên khoa các trường đại học Huế chủ trương, cũng có nhiều tờ ẩn dưới danh nghĩa “Nhóm giáo chức Đại học Huế, có tờ là cơ quan Phật giáo, của sinh viên Phật tử, gia đình Phật tử”, của Hội Phụ nữ… các ấn phẩm này đều in ấn thô sơ nhưng nội dung tư tưởng thể hiện sự dấn thân tiến lên trước “mũi tên hòn đạn” kêu gọi mọi người đồng lòng cứu nước, đòi quyền tự do dân chủ, hòa bình, thống nhất giang sơn Tổ quốc. Từ vũ khí đấu tranh yêu nước được gọi chung là “báo chí phong trào” ở Huế đã sản sinh ra một lực lượng đông đảo các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, những cây bút sắc sảo dùng lý luận, văn thơ, âm nhạc, hội họa và sức nặng của ngôn từ để chiến đấu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Dưới đây là một số ấn phẩm tiêu biểu của loại hình báo chí đặc biệt này:

Tập Văn Ngày Mai, do Tỉnh ủy và Thành ủy Huế chỉ đạo. Số 1 ra ngày 14/8/1954, dưới dạng tập sách mỏng. Nội dung của tập văn hướng đến việc đấu tranh để xây dựng một cuộc sống công bằng, tốt đẹp; báo do Tôn Thất Dương Kỵ làm chủ bút, Lê Quang Vịnh làm thư ký tòa soạn và một số đảng viên trí thức hoạt động bí mật thực hiện.

Thống Nhất, cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế, thực chất là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, nhân danh “tiếng nói của những người kháng chiến cũ”. Ngay từ số 1, ra tháng 12/1954, trên măng sét báo đã thấy ghi danh xưng “tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Nhận Thức, xuất bản hàng tháng. Số 1, ra tháng 2/1964, phát hành đến số 3 thì dừng. Báo do Nguyễn Đắc Xuân làm chủ nhiệm, Hà Nguyên Thạch làm chủ bút.

Lực Lượng, Cơ quan ngôn luận của Lực lượng học sinh, sinh viên tranh đấu Huế. Số 1, ra ngày 22/8/1964;

Lực Lượng do Trần Xuân Kiêm làm thư ký tòa soạn, Thái Thị Kim Lan làm quản nhiệm.

Dân, Cơ quan tranh đấu của Lực lượng giáo chức Thừa Thiên, ra ngày thứ bảy. Số 1, ra ngày 2/9/1964, đến số 3, ra năm 1964 thì dừng.

Tranh Đấu, Cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc thành phố Huế. Số 1, ra ngày 2/9/1964; báo do Nguyễn Hữu Trí chủ trương và thực hiện.

Tranh Thủ, tiếng nói của Lực lượng Nhân dân Tranh thủ cách mạng Thừa Thiên. Số 1, ra tháng 3/1964, do Nguyễn Phú Yên, Hồ Cư và Đặng Văn Sở chủ trương.

Vietnam Vietnam, báo do một nhóm trí vận và sinh viên Huế thực hiện. Số 1, ra tháng 5/1965, báo vừa phát hành xong số 1 thì bị chính quyền ra lệnh tịch thu và đóng cửa tòa soạn.

Vì Dân Chống Mỹ, báo do Nguyễn Duy Đảm và Lê Phước Thúy chịu trách nhiệm thực hiện. Số 1, ra tháng 8/1965.

Sinh Viên Huế, báo do Hoàng Phủ Ngọc Tường làm chủ biên. Số 1, ra tháng 10/1965, được 4 số thì dừng.

 Cùng năm 1966, ở Huế còn có các tờ báo hoặc xuất bản có “tính chất báo chí” của “Phong trào” yêu nước xuất hiện, như: Đỉnh Triều (của Hội Hồng Sơn, Sinh viên Đại học Sư phạm Huế), Quật Khởi, Cứu Lấy Quê Hương (của nhóm Lê Phương Thảo, Phan Văn Hoàng, Lê Thanh Xuân, Hồ Tịnh Tình, Lê Phước Á, Lê Phước Thúy, Đặng Văn Sở), Sinh Viên Quật Khởi (của Ủy ban Cứu nguy Phật giáo).

Năm 1968, 1969, các ấn phẩm báo chí “Phong trào” ra đời như: Tạp Chí Việt (của Bảo Cự, Trần Duy Phiên), Sinh Viên Huế (của nhóm Trần Hữu Lục), Đất Mới (của nhóm Trương Văn Hoàng, Bửu Nam), Một Chỗ Chung (của Nguyễn Văn Phụng và Lê Nhược Thủy), Đất Lành (của Nguyễn Duy Cần)…

Từ năm 1970 đến cuối năm 1973, loại hình báo chí “Phong trào” ở Huế càng nở rộ, phong phú và đạ dạng, với các tờ: Tự Quyết (của nhóm Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Thái Ngọc San, Chu Sơn, Lê Khắc Cầm).

Phụ Nữ Huế (của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống thành phố Huế), do Phạm Thị Xuân Quế chủ biên.

Các tờ Sinh Viên Phật Tử (của Đoàn sinh viên Phật tử Huế), Mặt Trận Hòa Bình (của Đoàn Văn Long), Nối Tay (của Khối Báo chí Luật khoa), Tiếng Gọi Sinh Viên (của Hội đồng Đại diện Sinh viên Huế).

Nổi bật là các tờ Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc (Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung của nhóm Ngô Kha, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn), Hợp (của Nguyễn Ước và Hồ Đăng Kế), Tin Tưởng (của nhóm Võ Quê), Động Mạch (của nhóm Lê Nhược Thủy, Nhất Huy, Hạ Quốc Long, Văn Hữu Tứ, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Ước), Vận Động (của Nguyễn Xuân Thanh), Đất Nước Ta (của Đoàn Công tác xã hội sinh viên, học sinh Huế), Thân Hữu (của Ban Đại diện Sinh viên Sư phạm Huế), Tiếng Gọi Sinh Viên (của Tổng hội Sinh viên Huế), Văn Khoa (của Nguyễn Quới), Thái Hòa (của nhóm Võ Đông, Nguyễn Xuân Hoa, Trương Văn Hoàng)…

Sau ngày 30/4/1975, đất nước ca khúc khải hoàn, giang sơn thu về một mối, nhiều người làm báo “một thời phong trào đấu tranh ở Huế” đã rời Huế đến công tác, sinh sống tại các tỉnh miền Nam và có nhiều người trong số họ đã thành danh trên các lĩnh vực, đặc biệt là về văn học nghệ thuật và báo chí; cũng có người trong số ấy nay đã an nhiên về “thế giới người hiền”. Và dù năm tháng có vật đổi sao dời thì tên tuổi và sự cống hiến của họ cho đất nước này vẫn là bất tử.

Ngày nay đọc lại những ấn phẩm của dòng “báo chí phong trào một thời ở Huế” chúng ta sẽ nhận ra được nhiều gương mặt thân quen trên nhiều phương diện về một thời đấu tranh cách mạng oai hùng mà chưa xa.

Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối báo chí qua nền tảng số

Những bất cập trong quá trình tương tác giữa cơ quan nhà nước (CQNN) với báo chí đã cơ bản được giải quyết sau khi Thừa Thiên Huế đưa vào vận hành Nền tảng số kết nối truyền thông tích hợp trên Hue-S.

Kết nối báo chí qua nền tảng số
SÂN CHƠI BÓNG ĐÁ BÁO CHÍ MIỀN TRUNG:
Hân hoan tuổi lên 10

Từ giải bóng đá do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế tổ chức đã cho ra đời Giải Bóng đá Báo chí Thừa Thiên Huế mở rộng, và rồi trở thành Giải Bóng đá Báo chí miền Trung. Đó là hành trình 10 năm gầy dựng và phát triển.

Hân hoan tuổi lên 10
Chuyện nghề sau những giải thưởng báo chí

Giải Báo chí Hải Triều lần thứ V – năm 2024 đã tìm ra chủ nhân của các giải thưởng cao quý. Phóng viên Quách Tiểu Bảo, Võ Đức Quang và Biên tập viên Nguyễn Bỉnh Bạch Sa – những tác giả đạt giải lần này đã có những chia sẻ thú vị về nghề, về những vui buồn trong tác nghiệp để đem đến cho công chúng những tác phẩm báo chí có ý nghĩa.

Chuyện nghề sau những giải thưởng báo chí
Thừa Thiên Huế - nơi ghi dấu Phan Đăng Lưu trên lĩnh vực báo chí

Thừa Thiên Huế không phải quê hương của đồng chí Phan Đăng Lưu, nhưng đã chứng kiến và ghi nhận sự đóng góp to lớn của đồng chí trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ năm 1936, đặc biệt những đóng góp to lớn trên lĩnh vực báo chí. Những di tích và một số địa điểm gắn liền với những hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu trên quê hương Thừa Thiên Huế không chỉ là niềm tự hào, mà còn có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thừa Thiên Huế - nơi ghi dấu Phan Đăng Lưu trên lĩnh vực báo chí

TIN MỚI

Return to top