ClockThứ Tư, 21/06/2017 05:16

Báo Thừa Thiên Huế đến Trường Sa

TTH - Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa cách đây 4 năm, hành trang nặng nhất trong ba lô của tôi là một tập ấn phẩm Báo Thừa Thiên Huế. Và kỷ niệm để lại trong tôi nhiều cảm xúc là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ ở các đảo đã đón nhận các ấn phẩm đó bằng tình cảm đặc biệt, làm cho món quà tinh thần từ đất liền gửi quân, dân trên các đảo càng thêm ý nghĩa.

Là một trong số sĩ quan hiếm hoi quê ở Thừa Thiên Huế công tác tại đảo Trường Sa Đông, Thiếu úy Nguyễn Đức Thắng không nén được xúc động khi đón nhận tờ báo đến từ quê hương mình.

Báo Thừa Thiên Huế đến với cán bộ, chiến sĩ Đảo Trường Sa Đông

Thắng cầm tờ báo đọc từ đầu đến cuối, mục nào cũng đọc. Đọc xong, những tờ báo được anh dán lên tường, ngay góc sinh hoạt của mình. Thắng thật thà chia sẻ: “Đây là hình ảnh của quê hương nên dán lên để thỉnh thoảng đọc lại sẽ cảm nhận hậu phương như thể bên mình”.

Quê ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, sau khi nhập ngũ, Thắng theo học Trường Kỹ thuật quân sự. Năm 2012, Thắng tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn Hải quân 101. Đến tháng 4/2013, anh ra đảo Trường Sa Đông công tác. “Ở nhà em ít khi đọc báo, có chăng thỉnh thoảng mở điện thoại đọc tin vắn trên các báo mạng. Ra công tác ở đảo, đọc sách báo hằng ngày đã trở thành thói quen, không chỉ giúp mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giúp vơi đi nỗi nhớ nhà. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên ở đảo em được cầm tờ Báo Thừa Thiên Huế trên tay. Càng đọc càng thấy quê nhà như đang ở trước mắt mình vậy…” - Thắng tâm sự.

Tiếng kẻng báo hiệu giải lao sau giờ huấn luyện vang lên, dưới tán cây bàng vuông, cây phong ba, từng nhóm cán bộ, chiến sĩ chuyền tay nhau món quà đặc biệt từ đất liền, chồng Báo Thừa Thiên Huế được chuyền tay nhau để đọc.

Thượng úy Ngô Công Tuấn ở đảo Trường Sa Đông bộc bạch: “Xa nhà, xa gia đình, phương tiện liên lạc cũng hạn chế nên nhớ nhà, nhớ người thân lắm. Xung quanh chỉ toàn là sóng nước nên lúc nào buồn thì lại ra ngồi ngắm biển cho đỡ buồn. Những lúc như vậy, báo chí, sách, truyện thành những người bạn tri kỷ. Cũng may bây giờ chúng tôi thỉnh thoảng vẫn được gọi điện thoại về nhà nên đỡ phải viết thư từ. Có các đoàn ra thăm mới được tặng sách, báo. Mặc dù thông tin không còn mang tính thời sự, nhưng với anh em trên đảo, báo chí quý như vàng vậy”.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Kiệm, Thiếu tướng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (ngoài cùng, bên trái) đọc Báo Thừa Thiên Huế trên hải trình đến Trường Sa

Khi đoàn công tác ghé thăm các đảo, bất ngờ là đơn vị nào cũng có một thư viện với hàng trăm cuốn sách, báo, tạp chí. Những đảo chìm cũng có tủ sách, báo hẳn hoi. Ở đảo Đá Tây A, tủ sách, báo của đơn vị khá phong phú với nhiều ấn phẩm nên cán bộ, chiến sĩ trên đảo có nhiều sự lựa chọn để đọc theo nội dung mình quan tâm. Trung úy Mai Văn Liên, Đài trưởng Đảo Đá Tây A cho hay: “Qua các ấn phẩm báo chí được chuyển ra đảo, chúng tôi được cập nhật nhiều thông tin, nội dung trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của nhiều địa phương trên cả nước. Bản thân tôi mỗi lúc rảnh đều qua thư viện tìm báo, sách để đọc, đây như một món ăn tinh thần của anh em ở đảo vậy”.

Còn với Thiếu tá Lê Quang Phú, Chính trị viên Đảo Đá Tây A, những ấn phẩm Báo Thừa Thiên Huế nhận được giúp anh phần nào có thêm không khí ở đất liền. Anh tâm sự: “Chỉ huy đảo và chỉ huy các đơn vị đều tạo điều kiện hết sức cho anh em trong việc đọc sách, báo để tiếp cận thông tin. Theo thời gian, số lượng báo, sách trong thư viện cứ tăng lên về số lượng và chủng loại. Bây giờ lại có thêm Báo Thừa Thiên Huế trong ngăn tủ. Những món quà tinh thần này sẽ giúp mọi người có thêm động lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trao đổi với một số chiến sĩ và người dân trong chuyến hải trình đến với Trường Sa, những thông tin về các điển hình, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo; ứng dụng, chuyển giao những thành tựu khoa học tiên tiến trong nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy, hải sản trên báo chí luôn được đón nhận. Thượng tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên Đảo Trường Sa Lớn cho hay: "Từ chỗ có thông tin và chủ động về mặt kiến thức, quân và dân huyện đảo đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt, nuôi trồng hải sản, góp phần nâng cao đời sống kinh tế".

Hình ảnh trên ghế đá, dưới tán bàng vuông rợp bóng mát, giữa bốn bề sóng nước, những cán bộ, chiến sĩ chăm chú đọc từng trang báo, tạo nên khung cảnh thanh bình nơi biển cả thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nhiều hoạt động nghĩa tình hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Tiếp tục hướng về đồng bào miền Bắc đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra, ngày 13/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh đã đến thăm viếng, động viên và trao quà hỗ trợ đến thân nhân gia đình có hai nạn nhân thiệt mạng do sạt lở đất ở Yên Bái, đang sống tại xã Phú Mậu, thành phố Huế.

Thêm nhiều hoạt động nghĩa tình hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Ấm áp "Trung thu cho em" ở A Lưới

Sáng 11/9, Quỹ Sen xanh, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế, Công ty HUDATEX, Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, chùa Phật Quang tổ chức chương trình "Trung thu cho em" cho học sinh Trường tiểu học Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện A Lưới.

Ấm áp Trung thu cho em ở A Lưới
“Mùa hè cho em” đến với học sinh vùng cao Nam Đông

Sáng 15/5, Quỹ Sen xanh, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty CP May xuất khẩu Huế (Hudatex Hue) và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình “Mùa hè cho em” tại Trường tiểu học Thượng Lộ (huyện Nam Đông).

“Mùa hè cho em” đến với học sinh vùng cao Nam Đông
Return to top