ClockThứ Năm, 30/05/2024 12:30

Bên lề Quốc hội: Tạo niềm tin và cải cách trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 nêu rõ: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nướcThêm cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 86,4 nghìn trong khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn chỉ 81,3 nghìn doanh nghiệp.

Cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao cũng là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tại hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu về một số nội dung liên quan đến vấn đề này.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu): Tạo niềm tin để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% đã đề ra trong năm nay, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố rất quan trọng; trong đó, việc tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.

Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm 2024 cả nước có 86,4 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp cho thấy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức.

Cùng đó, thị trường bất động sản còn khó khăn, nhất là quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ nhưng trong khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm 27,2%.

Tôi thống nhất với những nhiệm vụ giải pháp Chính phủ đưa ra và đề xuất khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống. Từ đó, giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định cho phép các luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện sẽ góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp vì tình trạng này thời gian qua khá phổ biến.

Việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu rất cần thiết; trong đó, tập trung triển khai nghiêm túc Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và các chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành.

Theo tôi, các cơ quan tư pháp cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến doanh nghiệp, nhà đầu tư đó là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hoạt động kinh tế; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Chính sách hỗ trợ cần loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo

Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thị trường cho nhóm này chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước. Do vậy, hiện nay thị trường thế giới bắt đầu hồi phục, xuất khẩu tăng nhưng thị trường trong nước và tiêu dùng nội địa lại vẫn giảm. Chỉ số bán lẻ hàng hóa ở mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Chính việc thị trường thu hẹp đã làm cho doanh nghiệp khó khăn, thậm chí mất thị trường.

Thêm vào đó, doanh nghiệp phải trải qua một thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19. Vì vậy, khi thị trường bị thu hẹp lại thì khả năng phục hồi của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Điều này, khiến nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh này, theo tôi, các chính sách đã áp dụng trước đây như chính sách tài khóa mở rộng sẽ hiệu quả. Cụ thể là thông qua biện pháp như giãn - hoãn các khoản nghĩa vụ đóng góp và tiếp tục cần giảm một số loại thuế (thuế VAT, thuế môi trường…). Các trợ lực chính sách này một mặt làm giảm gánh nặng trực tiếp phải đóng góp, chi trả của doanh nghiệp và đồng thời cũng chính là giải pháp để tăng, kích cầu, giúp cho thị trường tiêu dùng nội địa tăng lên.

Bên cạnh đó, chương trình về đầu tư công, hỗ trợ của Chính phủ cũng cần phải đẩy mạnh hơn để tạo thêm “cầu” của doanh nghiệp lớn. Từ đó, tạo sức lan tỏa cho các khu vực, doanh nghiệp khác có thêm việc làm và thị trường.

Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Điển hình là các chính sách hỗ trợ mặc dù đã có nhưng thủ tục vẫn rườm rà, chồng chéo. Do đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ tài chính, những thủ tục về mặt hành chính cần tiếp tục cải tiến, nhất là đang trong xu thế cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Thêm một khó khăn doanh nghiệp đang đối diện lại không phải tác động trực tiếp từ phía cơ quan quản lý doanh nghiệp mà từ khâu quản lý công. Những cơ quan thực thi công vụ đang trong tình trạng e ngại không mạnh dạn để thực thi, giải quyết những yêu cầu phát sinh của doanh nghiệp. Chính điều đó cũng là một trong những rào cản không đáp ứng kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp.

Do vậy, bên cạnh hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, cải cách thể chế, hành chính là cấp bách; đặc biệt là giải quyết những nút thắt để cơ quan thực thi công vụ phải dám nghĩ, dám làm, năng động và không sợ sai. Có thể thông qua một cơ chế đặc thù để giúp cán bộ có thể vận dụng một cách năng động, sáng tạo vào việc giải quyết những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Xây dựng hệ thống chính sách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Kể từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với tỷ lệ tăng cao. Cụ thể, trước dịch, năm 2019 có 89 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhưng năm 2021 trở đi, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 120 nghìn. Con số này của năm 2022 là 143 nghìn và năm 2023 có tới 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp tổn thương nặng nề do ảnh hưởng bởi đại dịch là rất lớn.

Ngoài ra, nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi thị trường xuất khẩu thế giới, cũng như ảnh hưởng từ các xung đột địa chính trị, chiến tranh, bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh thương mại của thế giới… Những yếu tố này đều ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất dễ bị tổn thương do “cú sốc” trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn nội tại, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đáng chú ý là sự việc tại Ngân hàng thương mại Sài Gòn  – SCB cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của thị trường tài chính, bất động sản, kéo theo một chuỗi các lĩnh vực khác chịu “cộng hưởng” khó khăn.

Nhưng nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế của TP Hồ Chí Minh cũng như kinh tế cả nước vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Trong quý I/2014, GDP cả nước tăng 5,66% và TP Hồ Chí Minh là 6,54 %. Tuy nhiên, để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới, cần phải đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cụ thể các nghị định, thông tư hướng dẫn, chính sách lại chưa đủ liều lượng để vực dậy, cũng như hỗ trợ hiệu quả cho đầu tư khu vực tư nhân.

Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách và tôi rất đồng tình với những giải pháp ngắn hạn. Trước mắt, sẽ tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng như giảm thuế giá trị gia tăng ở mức 2%. Có thể tăng mức giảm này nhiều hơn nữa và thời lượng kéo dài hơn. Cùng đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục cơ cấu lại nợ và điều hành lãi suất phù hợp với thị trường theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp.

Có một điểm cần phải lưu ý là các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với thách thức rất lớn. Đó là yêu cầu về tiêu chí xanh của hàng hóa nhiều nước trên thế giới và thuế carbon đối với các nước đưa ra.

Bởi vậy, Việt Nam vẫn cần phải xây dựng một hệ thống chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Bởi để chuyển đổi xanh cần đảm bảo sử dụng năng lượng sạch, nguyên liệu sạch… Tất cả những tiêu chí đó đều đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn để đầu tư.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sáng 17/6, Quốc hội thảo luận về chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Sáng 17 6, Quốc hội thảo luận về chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV:
Làm rõ một số nội dung trong các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Làm rõ một số nội dung trong các dự án luật
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV:
Tán thành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tán thành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

TIN MỚI

Return to top