ClockThứ Năm, 25/04/2019 17:28

Điểm tựa nơi biển đảo

Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây cứu hộ ngư dân bị sóng đánh chìm gọCứu hộ thành công tàu cá Trung Quốc gặp nạn ở biển Chân MâyCứu 2 sinh viên bị nạn trên biển

Cứu người trong nguy khốn

Một ngày đầu tháng tư lúc tờ mờ sáng, tại cửa sông Bù Lu (thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc), nhiều ngư dân vừa cập bờ sau một đêm đánh bắt hải sản trên biển bất lực đứng nhìn chiếc gọ nhỏ cùng “đồng nghiệp” Phan Văn Cường rớt lại phía sau, chìm dần trong sóng dữ mà không thể làm gì được.

Đồn biên phòng cửa khẩu Chân Mây tham gia tìm kiếm cứu nạn ở biển Tân Cảnh Dương. Ảnh: M. LÊ

Nhận thông tin, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phát lệnh báo động. Thiếu tá Lê Văn Tiến, Đồn trưởng, tổ chức lực lượng cán bộ, chiến sĩ và quân y lập tức ra ứng cứu. Khi lực lượng BĐBP tiếp cận được cũng là lúc chiếc gọ bị sóng nhấn chìm, ngư dân đã đuối sức. Nối tay nhau thật chặt, những chiến sĩ biên phòng kết thành “hàng rào”, chia hai mạn nhích dần từng chút, vượt qua sóng lớn đưa người bị nạn và phương tiện vào bờ. Trên bờ biển, vợ con, người thân của ông Cường và rất nhiều ngư dân nín thở chờ đợi, vỡ òa vui mừng, hạnh phúc.

“Lúc gọ tui bị nạn, có một thuyền lớn cố gắng quay lại cứu, nhưng sóng dữ quá họ cứu không được. Tui đuối sức, ôm chặt chiếc gọ đang bị sóng nhồi lên nhấn xuống. Mỗi lúc nhô lên được tui vội hít thở. Trong đầu tui đã nghĩ đến lúc gọ chìm hẳn thì coi như 5 đứa con ở nhà mồ côi cha. May mà các anh BĐBP cứu kịp”, ông Cường xúc động.

Thiếu úy Phạm Minh Lân, Thượng úy Hồ Ánh Ngọc và các đồng đội từng ngâm mình vật lộn với sóng biển để cứu người, cứu phương tiện, nở những nụ cười mộc mạc, nói thật giản dị rằng, lúc ấy nước rất lạnh, sóng rất lớn, tình thế rất nguy hiểm, nhưng tính mạng và tài sản của ngư dân đang bị đe dọa, nên dù khó khăn và nguy hiểm bao nhiêu, các anh cũng phải dốc sức.

Đồn biên phòng Lăng Cô cứu hộ thuyền bị chết máy trên biển. Ảnh: QUỲNH ANH

Trước đó, ngày 15/1, nhận được tin thuyền và ngư cụ của ngư dân Lê Thành bị sóng đánh chìm (hai cha con ông Thành bỏ thuyền cố gắng bơi vào bờ) tại vùng biển thuộc tổ dân phố An Cư Đông 1, thị trấn Lăng Cô, lực lượng Đồn Biên phòng Lăng Cô lập tức ứng cứu. “Chúng tôi thông báo đến chính quyền địa phương, báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị, đồng thời huy động 30 cán bộ, chiến sĩ đến ngay hiện trường. Anh em mới ngồi vào mâm cơm, vội buông bát chạy bộ ra biển để kịp giúp dân, cứu tài sản”, Trung tá Phùng Thế Anh, Đồn trưởng cho biết. Sau hai giờ liền vật lộn với sóng gió, lực lượng của đơn vị cùng người dân đưa được phương tiện vào bờ và lai dắt về vị trí neo đậu đảm bảo an toàn.

Chỉ nửa tháng sau, chiếc tàu chở 3 người bị chết máy trôi dạt trên khu vực biển thuộc tổ dân phố Lập An, thị trấn Lăng Cô, trong thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió lớn, đối mặt với nguy hiểm cũng được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô kịp thời ứng cứu.

Yêu thương và trách nhiệm

Đã từng thực hiện không biết bao nhiêu chuyến tuần tra, nhưng đối với Thiếu tá Nguyễn Đình Phúc, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Lăng Cô, Trung úy Nguyễn Minh Khánh Vũ, Thiếu úy Nguyễn Văn Cường…, chuyến tuần tra ngày 22/3 vừa qua là khó quên nhất.

Khi đang tuần tra khu vực giáp ranh đỉnh đèo Hải Vân, đến đoạn cầu Đồn Nhất thuộc tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, các anh phát hiện vụ tai nạn nghiêm trọng. Một trong 3 du khách quốc tịch Anh trong khi leo lên thác tắm đã trượt chân ngã đập đầu vào đá và bị chấn thương nặng.

Liên lạc, thông báo đến chính quyền địa phương, lực lượng công an, bệnh viện trên địa bàn, đồng thời tổ tuần tra (có cả cán bộ quân y đồn) lập tức tiếp cận sơ cứu, tìm cách đưa nạn nhân xuống khỏi thác, ra xe cứu thương đang đỗ chờ ở đường quốc lộ, đưa vào bệnh viện lớn ở TP. Đà Nẵng cấp cứu, chữa trị.

Bình thường đi qua những phiến đá phủ rêu trơn trượt đã khó và nguy hiểm, trong hoàn cảnh khiêng chiếc cáng nặng càng khó và nguy hiểm bội phần. Nhưng vì sức khỏe, tính mạng của người bị nạn, bấm chặt chân vào đá, thận trọng từng bước, các anh khẩn trương hết sức, rút ngắn được từng nào thời gian quý từng đó. Lá thư cảm ơn của du khách hôm đó được gửi đến khi sức khỏe của anh được hồi phục là sự khích lệ để các chiến sĩ biên phòng  nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Vì bình yên cuộc sống, vì Nhân dân mà thôi thúc Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lăng Cô và hàng chục cán bộ, chiến sĩ tiếp cận ngay hiện trường, lăn xả cứu giúp người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy tại khu vực đèo Hải Vân xảy ra đầu năm 2019.

Hôm đó, khi chiếc xe khách chở đoàn sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang đi thực tập ở các tỉnh miền Trung thì bị mất thắng, lật xuống vực sâu đèo Hải Vân khiến 1 người tử vong, 20 người bị thương, trong đó có nữ sinh viên bị đứt lìa cánh tay trái.

Lúc chưa tìm thấy cánh tay bị đứt, các chiến sĩ BĐBP đã chủ động chuẩn bị thùng xốp và đá lạnh đưa đến hiện trường. “Em sinh viên bị nạn còn quá trẻ, nếu như không cứu được cánh tay thì cuộc đời, tương lai của em sẽ ra sao?”, Thiếu tá Dũng (người đã tìm thấy và đích thân “theo” cánh tay được bảo quản cẩn thận vào bệnh viện cho nạn nhân) trải lòng. Các anh vui mừng và hạnh phúc biết nhường nào khi các bác sĩ ghép nối thành công, trả lại cho nữ sinh viên cơ thể lành lặn, để em có thể thực hiện tiếp vẹn nguyên những ước mơ.

Bằng yêu thương, trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây hết lòng phối hợp cùng chính quyền, Nhân dân địa phương tìm kiếm thi thể em Ngô Hà Sinh (quê ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người đã thiệt mạng trong lúc cứu sống hai sinh viên Trường đại học Y dược Huế bị đuối nước khi tắm biển tại bãi Tân Cảnh Dương.

Thiếu tá Văn Lê Lâm Đức, Chính trị viên đồn Chân Mây chia sẻ, không cán bộ, chiến sĩ nào có thể cầm lòng trước nỗi đau xé lòng của người cha. Lực lượng đơn vị chia nhiều bộ phận lên ca nô, lên các chiếc gọ của dân tìm kiếm. Khuya đầu tiên tìm kiếm, các anh ăn tạm mỳ gói ngay trên bờ biển. Tìm thấy và đưa thi thể nạn nhân vào bờ thì đã hơn 1 giờ sáng. Những người lính biên phòng còn bỏ tiền túi hỗ trợ, đến từng nhà dân, từng hàng quán trên bờ biển vận động, quyên góp ban đầu được gần 18 triệu đồng, giúp người thân có điều kiện đưa Sinh về quê, vì gia đình em thuộc diện khó khăn.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Điểm tựa” vốn vay chính sách

“Biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang, gia đình tôi đã sử dụng vốn vay thật hiệu quả để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ.

“Điểm tựa” vốn vay chính sách
Bóng cờ hồn nước thiêng liêng

Lá cờ đỏ sao vàng được tô thắm bởi máu xương của bao thế hệ người lính hào hùng trên biển, là “kim chỉ nam” để cán bộ, chiến sĩ hải quân “chân cứng đá mềm” bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bóng cờ hồn nước thiêng liêng
Chuyển mình từ “điểm tựa” Chỉ thị 40

Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), là “điểm tựa” vững chắc, để sau mười năm triển khai hiệu quả, Phú Vang đã có những chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng đoàn kết trong Nhân dân; tăng cường niềm tin của dân đối với Đảng.

Chuyển mình từ “điểm tựa” Chỉ thị 40
“Điểm tựa” bên chân sóng

Nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh, đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ và tập thể Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An, “phần thưởng” quý giá nhất là người dân trên địa bàn, ngư dân coi các anh là điểm tựa, để yên tâm làm ăn sinh sống, vươn khơi bám biển, làm cột mốc sống, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Điểm tựa” bên chân sóng
Return to top