|
Đồng chí Nguyễn Nam Tiến-UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị |
Huyền thoại đảo chìm
Vì sao đảo có tên là Đá Thị? Nhiều người tìm cách trả lời như: “Chắc đảo có hình quả thị hoặc vì có nhiều hòn đá to và tròn như quả thị”, “Chắc trên đảo có nhiều cây thị”; có người đùa tếu: “Chắc vì những hòn đá trên đảo có mùi thơm như quả thị”… Các cách giải thích trên đều không có câu trả lời nào thỏa mãn. Bởi đá san hô không thể có hình quả thị, và Đá Thị là đảo chìm, nước biển dâng hàng ngày, không một loài cây nào mọc được.
Khoảng một giờ chiều, Đá Thị hiện ra giữa muôn trùng sóng, là hai tòa nhà cao tầng. Đảo Đá Thị cùng đảo Sinh Tồn Đông là 2 đảo ở xa nhất trong số 21 đảo đang được Việt Nam quản lý ở Quần đảo Trường Sa. Đảo Đá Thị tuy nhỏ nhưng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn những hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển Quần đảo Trường Sa. Phải nói thêm một chút về vị trí của Đá Thị để bạn đọc hình dung. Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết tạo thành thế chân kiềng giữa biển. Phía Tây Đá Thị là đảo Ba Bình, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Kế bên là đảo Ga Ven, Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1988.
Các chiến sĩ Hải quân còn lưu truyền câu chuyện: Hôm đó là ngày 11/3/1988, đơn vị của Đại tá Nguyễn Ngọc Ninh được giao nhiệm vụ ra giữ đảo Đá Thị. Đội quân lên tới đảo vào đêm 13/3, trên chuyến tàu 50 tấn mang số hiệu 709. Sáng ngày 14/3, quân Trung Quốc nổ súng đánh chiếm đảo Gạc Ma, sau đó bắn vào đảo Cô Lin, sử dụng tàu khu trục sang đảo Sơn Ca và phong tỏa đảo Đá Thị gần mười ngày. Đại tá Nguyễn Ngọc Ninh cùng 20 chiến sĩ trên một chiếc ponton nhỏ (giống một cái thùng có 4 cọc neo vào thềm san hô, dưới đựng hàng hóa) nằm lênh đênh trên mặt đảo. Khi thủy triều cao lên thì toàn bộ đảo đá chìm dưới nước, đảo chỉ nổi lên khi thủy triều xuống. Suốt hơn tuần lễ gan góc bám đảo; mặc dù thiếu thức ăn, nước uống, vũ khí... nhưng đội quân do Đại tá Ninh chỉ huy đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm, ngoan cường “một tấc không đi, một li không rời”, khiến quân Trung Quốc phải nản chí rút lui. Một lực lượng của Lữ đoàn 146 và Công binh Hải quân đã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đóng giữ, bảo vệ đảo. Sau này, đảo Đá Thị đã được đầu tư xây dựng thành khu nhà ba tầng kiên cố, trở thành pháo đài vững chãi giữa biển khơi.
|
Nhà văn hóa đa năng ở đảo Đá Thị |
Đá Thị không xa
Mới 2 giờ chiều, Chuẩn đô đốc - Phó Tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân Phạm Văn Hùng đã nóng lòng xuống xuồng sang thăm đảo Đá Thị. Trước các thủ trưởng quân chủng Hải quân và các đại biểu, Thượng úy Lê Đức Mỹ, Chỉ huy trưởng của đảo báo cáo tình hình của Đá Thị. Từ ngày thành lập đến nay, Đá Thị đã có 20 lần khen thưởng của các cấp, đặc biệt có 4 lần được Bộ Quốc phòng trao tặng bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” vào các năm 2010, 2015, 2016, 2019. Hiện dẫu đang còn rất nhiều khó khăn, các chiến sĩ ở đảo vẫn thường xuyên luyện tập thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Cũng như các đảo chìm khác, khó khăn nhất ở Đá Thị là thiếu nước ngọt và không có đất để trồng cây, rau xanh… Ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước trời. Những năm gần đây, đảo được đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Hầu như mỗi giọt nước mưa rơi xuống đều được cán bộ chiến sĩ trên đảo tìm mọi cách để cho vào bể chứa, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đảo đã có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác…
Thủ trưởng và đại diện các tổ công tác lần lượt tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Chuẩn đô đốc - Phó Tham mưu trưởng Phạm Văn Hùng nói với các chiến sĩ trong lúc trao quà: “Đây là tình cảm, là hơi ấm từ đất liền gửi ra cho Trường Sa”.
|
Cờ Tổ quốc tung bay giữa muôn trùng biển khơi |
Ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, được giao nhiệm vụ thay mặt Đoàn công tác số 5 phát biểu: “Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã viết bài diễn văn ra giấy, nhưng khi đến gặp các cán bộ, chiến sĩ ở đảo Đá Thị, tôi thấy bài diễn văn ấy hóa ra không thể diễn tả hết những điều muốn nói, tôi sẽ nói những lời xúc động tự đáy lòng. Khi đứng trước biển, chúng ta nhận ra rằng mình vô cùng nhỏ bé; nhưng khi gặp các cán bộ, chiến sĩ ở đây, chúng tôi thấy hình ảnh người lính cầm chắc tay súng gìn giữ biển trời cho Tổ quốc là thật lớn lao. Giữa muôn trùng biển khơi, Đá Thị là một đảo chìm bé nhỏ, nhưng trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, Đá Thị là một bức tượng đài sừng sững đứng canh giữ biển trời quê hương. Các đồng chí đang từng ngày, từng giờ vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đây, là mảnh ghép trong bức trường thành của toàn quân, của truyền thống bảo vệ Tổ quốc của cha ông. Chúng tôi sẽ luôn dõi theo các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Trường Sa; xin hứa sẽ hết sức, hết lòng cùng Nhân dân xây dựng đất nước, để tất cả đồng bào và chiến sĩ, sẽ đồng lòng vì một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh…”
Những người có mặt xúc động trước lời phát biểu của ông Nguyễn Nam Tiến, nhận ra Đá Thị không xa, không bé nhỏ giữa bao la biển trời, Đá Thị nằm ngay trong lồng ngực của mỗi người dân Việt Nam.
|
Rau xanh được trồng trong những khay xốp |
Chúng tôi giở tình cờ một trang trong sổ ghi cảm tưởng và bắt gặp những dòng xúc động của đoàn Đồng Nai vào ngày 27/5/2023: “Lần đầu trông thấy đảo, chúng tôi không kìm được nước mắt, niềm tự hào vô tả. Được cán bộ, chiến sĩ đón tiếp, trao đổi, chúng tôi càng xúc động, thật sự ngưỡng mộ và tin tưởng cán bộ, chiến sĩ đã giữ từng tấc đất biển đảo quê hương”…
Sau buổi trao quà, các thành viên trẻ trong đoàn và các chiến sĩ đã giao lưu văn nghệ sôi nổi. Các ca sĩ, nghệ sĩ Mai Trung, Kiều Oanh, Lan Anh liên tục tiếp nối các bài ca về tình yêu quê hương đất nước, về biển khơi và tuổi trẻ. Tiếng hát của tuổi trẻ vang động cả biển trời, và mỗi lúc, thu hút nhiều người tham gia hơn.
Trên tầng hai của ngôi nhà có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật… Đảo cũng được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại; có trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam… giúp cho cán bộ, chiến sĩ cập nhật kịp thời thông tin trong nước và thế giới. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác, rút ngắn khoảng cách giữa đảo chìm với đảo nổi và giữa đất liền với đảo xa, cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi đi thăm vườn rau. Rau xanh được trồng trong những khay xốp. Những rau cải, rau dền, rau bông ngọt… và cả rau ngò ta nữa. Hương vị quê nhà đang hiện diện ngay cả nơi đây, cùng chiến sĩ ở nơi cách đất liền cả hàng trăm hải lý.
(còn nữa)