ClockThứ Năm, 30/12/2021 14:30

Những đứa con của lính

TTH - Được đón nhận về đơn vị nuôi trực tiếp, hoặc lớn lên bằng lương của bộ đội, nhiều con em của đồng bào nghèo ở vùng biên giới trở thành những đứa con của lính biên phòng và trưởng thành trong niềm vui của gia đình, địa phương, nhà trường nơi các cháu sinh sống, học tập.

Đón nhận “Con nuôi đồn Biên phòng”Con nuôi đồn biên phòng

Hỗ trợ học sinh nghèo ở vùng biên giới bằng lương của lính biên phòng

1. Gần 3 năm làm con nuôi của Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt, cháu Lê Văn Thìn (SN 2009), ở thôn Pa Rit – Ka Vin, xã Lâm Đớt (A Lưới) luôn thích thú, hạnh phúc khi từ trường trở về nơi mình được sinh sống, dù phải xa gia đình, cách xa cha, mẹ và chị gái.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Lê Văn Thìn rắn rỏi: “Hằng tuần cháu được các chú bộ đội chở về nhà thăm, hoặc mẹ lên thăm nên cháu rất yên tâm. Cháu sẽ cố gắng ghe lời các chú bộ đội, học tập thật giỏi để không phụ lòng các chú”.

Niềm vui có thể thấy rõ trên khuôn mặt của chị Hồ Thị Rươnh, người phụ nữ dân tộc Tà Ôi, bởi con trai của chị - cháu Thìn đã được sinh sống, học tập trong điều kiện tốt hơn, với sự chăm sóc chu đáo của các cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK A Đớt.

Chị Rươnh chia sẻ, chồng chị trước đây là cán bộ y tế thôn, bản của xã. Năm 2012, anh không may mắc bệnh hiểm nghèo, sau đó bị tai biến nên không còn khả năng lao động.

Trước hoàn cảnh gia đình chị Rươnh, Đồn BPCK A Đớt quyết định nhận nuôi cháu Thìn để chung tay, góp sức giúp đỡ, chia sẻ khó khăn.

Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BPCK A Đớt, người được đơn vị phân công đảm nhận chăm nuôi cháu Thìn, kể: Xem cháu như con để dạy bảo cho tốt, mình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giúp cháu học tập và trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Cứ thế, mỗi tối, đúng 19h, hai “bố con” lại cùng nhau vào bàn học tập. Mỗi khi cháu có thành tích ở trường, cán bộ trong đơn vị tự bỏ tiền lương mua sắm đồng hồ đeo tay, quần áo, tủ đựng sách vở cho cháu để kịp thời động viên. Kết thúc mỗi học kỳ, lúc đưa cháu đến trường nhận phần thưởng học sinh tiên tiến, đơn vị cảm thấy rất vui, như thể đã làm tròn trách nhiệm với đứa con của mình vậy.

Hướng dẫn cháu Lê Văn Thìn cách gấp chăn màn

“Một lần, do nhiệm vụ công tác mình phải xa đơn vị, vì vậy việc nuôi dạy cháu Thìn phải giao lại cho cán bộ khác. Hôm lên đường, thấy cháu cứ đứng nhìn theo với đôi mắt đỏ hoe, mình cảm giác xốn xang như phải xa cách đứa con trai ruột. Đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong quãng đời làm bố nuôi với màu áo lính của mình” - Thiếu tá Tuấn chia sẻ.

“Con nuôi đồn Biên phòng” là mô hình lần đầu tiên được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức thực hiện với mong muốn chung tay, góp sức, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ăn ở, học tập đầy đủ đến hết lớp 9. Khi đến tuổi vào trung học phổ thông, các cháu trở về nhà và đơn vị sẽ tiếp tục đỡ đầu bằng mô hình “Nâng bước em đến trường”, hàng tháng hỗ trợ vật chất, giúp các cháu được học hành đến nơi đến chốn. Để triển khai mô hình, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trực tiếp chỉ đạo Đồn BPCK A Đớt và Đồn BPCK Hồng Vân nhận nuôi 2 cháu để làm điểm, sau đó nhân rộng trên địa bàn khu vực biên giới trong toàn tỉnh.

Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho hay, mỗi đơn vị bố trí vị trí học tập, đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho các cháu trong điều kiện tốt nhất, phân công cán bộ kèm cặp, hướng dẫn học tập, đưa đón cháu tới trường; thường xuyên kiểm tra về tình hình sức khỏe, nắm chắc các mối quan hệ và tâm lý của cháu khi ở tại đơn vị. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ với nhà trường, gia đình và Đồn Biên phòng, thường xuyên có thông tin trao đổi hai chiều về tình hình học tập, sức khỏe của các cháu.

2. Gia đình chị Huỳnh Thị Gái, ở tổ dân phố An Hải, phường Thuận An (TP. Huế) là một trong những địa chỉ quen thuộc của những người lính Đồn BPCK cảng Thuận An. Bởi năm nay là năm thứ 6, con gái của chị là cháu Nguyễn Thị Thu Xuân (SN 2011) được “hưởng lương” của cán bộ, chiến sĩ đơn vị để được đến trường và sinh hoạt hằng ngày.

Cháu Xuân mồ côi cha khi vừa lên lớp 1, chị Huỳnh Thị Gái phải tảo tần đi bán hàng thuê cho các hàng quán, làm thuê rửa chén bát cho các quầy kinh doanh trong vùng để kiếm tiền lo cho 2 con.  Những người lính Đồn BPCK cảng Thuận An đã dang tay nhận đỡ đầu con của chị - cháu Xuân - từ lúc mới lên lớp 1. Ngoài hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng, đơn vị thường xuyên thăm, tặng quà, quần áo, sách vở cho cháu.

Em Lê Thị Nhung, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Thuận An cũng mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ. Mẹ của Nhung là chị Lê Thị Liên  ở tổ dân phố Hải Bình, phường Thuận An phải đi làm thuê, làm mướn ở đất khách quê người để gửi tiền về nuôi con.

Chia sẻ cuộc sống vất vả, nhọc nhằn của chị, năm 2015, Đồn BPCK cảng Thuận An quyết định nhận đỡ đầu con gái chị - cháu Nhung, lúc này là học sinh lớp 3. Mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trích lương, dành dụm hỗ trợ cho con chị Liên 500.000 đồng trang trải chi phí học hành, sinh hoạt. Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn BPCK cảng Thuận An cho hay, đơn vị nhận đỡ đầu cháu Nhung được một năm sau thì bố cháu qua đời do bệnh hiểm nghèo.

Bà Võ Thị Năm, thân nhân của cháu Nhung chia sẻ:  “Chúng tôi rất cảm động khi biết nguồn kinh phí hàng tháng mà đơn vị tặng cháu được trích từ chính tiền lương của cán bộ, chiến sĩ. Tôi hay nói với mọi người, cháu tôi lớn lên bằng lương bộ đội là vì thế”.

Người dân xã Phú Hải (Phú Vang) luôn nhớ câu chuyện cảm động về tình quân dân nơi vùng đất biên thùy này. Cậu bé Hồ Đức Kim Hoàng (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Phú Hải) mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại bị bệnh tâm thần.

Thương cảm số phận của em, những người lính Đồn BPCK cảng Thuận An cùng chính quyền xã vận động nhiều nguồn quỹ sửa chữa ngôi nhà cho mẹ con Hoàng có chỗ ở tươm tất. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị trích lương hàng tháng hỗ trợ nuôi Hoàng ăn học.

Từ năm 2013, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng biên phòng tỉnh đã trích lương để chu cấp cho hơn 100 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới được đến trường và sinh hoạt, với mức 500 ngàn đồng mỗi tháng cho mỗi cháu. Cùng đó, từ nguồn quỹ của mô hình ngôi nhà xanh, các đơn vị trích mua sắm các vật dụng, quần áo, sách vở cho các cháu với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

Theo Đại tá Lê Văn Nguyên, với việc nhận đỡ đầu các cháu đến lúc học hết lớp 12, lực lượng BĐBP tỉnh mong muốn được chung tay, góp sức, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ăn ở, học tập đầy đủ, phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới

Cùng với phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay cần có các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn nhằm hướng phong trào đến xây dựng các mô hình sản xuất mới.

Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới
Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn TX. Hương Thủy đã thay đổi tư duy canh tác khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sen; trong đó, mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ đã cho thấy hiệu quả khi giúp nông dân mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ
Return to top