|
Chị Kim Oanh và sản phẩm trưng bày tại các gian hàng |
Do vốn liếng ban đầu ít nên chị Oanh nuôi gà với quy mô nhỏ, đến đầu năm 2015, chị tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng và bắt đầu đào hồ nuôi cá, mở rộng đàn gà. Chị tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Với diện tích sẵn có khoảng 4.000m2, chị Oanh phát triển mô hình vườn - ao - chuồng, tạo nên “hệ sinh thái” tuần hoàn khép kín.
Bắt đầu chị Oanh muốn phát triển các sản phẩm theo mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Nghĩa là, các chất thải từ chăn nuôi được tận dụng tối đa, không gây ô nhiễm cho môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, chị Oanh còn sử dụng thức ăn có sẵn từ mô hình làm nguồn cung cấp đầu vào cho trang trại khép kín, tuần hoàn nhằm hướng đến nuôi trồng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mô hình này, gia chị Oanh không phải lo chi phí mua thức ăn, các loại vật tư đầu vào nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm. Hiện trang trại chị Oanh có 150 con thỏ, 3.000 con chim cút, 5 con heo nái, 150 con gà và 30 vạn con cá, 20 gốc bưởi, 2.000m2 gừng, chuối, 500 chậu cúc tết...
Có thời điểm, việc khởi nghiệp của chị Oanh không thuận lợi do thời tiết thất thường. Thế nên, chị tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; cuộc thi nào chị cũng đăng ký tham gia, nhất là diễn đàn do Hội LHPN các cấp tổ chức. Năm 2022, chị mạnh dạn tham gia Cuộc thi “Phụ nữ kinh doanh tài ba” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đoạt giải Ba. Nhờ thế, chị tích lũy được kinh nghiệm khởi nghiệp qua các cuộc thi.
Tám năm qua, trang trại chị Oanh không ngừng phát triển, từ cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ đến nay doanh thu từ 500- 600 triệu đồng mỗi năm và đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Mô hình của chị không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà còn hỗ trợ an sinh xã hội của địa phương, tạo việc làm cho cho 15 lao động nông nhàn ở miền đồi núi, với thu nhập 150.000 -300.000 đồng/ngày/người, trong đó có hội viên phụ nữ khó khăn. Khi hỏi về dự định sắp đến, chị Oanh cho biết, sẽ mở rộng thêm trại chăn nuôi lợn và cải tạo hồ cá, phát triển thêm con giống.
Là Chi hội phó tổ 12, phường Thủy Phương, chị Oanh đã làm tốt vai trò kết nối, hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Năm 2022, chị Oanh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2023, chị được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm.
Mô hình hệ sinh thái tuần hoàn của chị Oanh được nhiều gia đình nhân rộng khi đem lại hiệu quả kinh tế, không ảnh hưởng đến môi trường và giải quyết việc làm cho người lao động.