Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong - ông Nguyễn Hùng (ngoài cùng bên trái) truyền đạt phương pháp vận động Nhân dân
“Mốc sống” trên đại ngàn Trường Sơn
Nhiều năm nay, Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong (A Lưới) - ông Nguyễn Hùng luôn miệt mài trong công tác vận động bà con tham gia các tổ tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên phòng. Lúc thì cùng các tổ tự quản đi tuần tra trong các ngày nghỉ, lúc lại tham gia phát quang, duy tu bảo vệ cột mốc, chống sạt lở. Với những việc làm đó, ông được bà con thân thương gọi là người chiến sĩ biên phòng không mặc áo lính. Và cũng vì lẽ đó, người dân địa phương ai nấy đều tự nguyện giúp đỡ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Họ vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong thôn tham gia bảo vệ biên giới, cột mốc do đồn phụ trách.
Tuyến biên giới thuộc địa bàn xã Hương Phong, huyện A Lưới khá rộng, đi lại cách trở, dân cư thưa thớt. Không quản ngại khó khăn, không kể trời nắng hay mưa, ông Nguyễn Hùng thường xuyên cùng các tổ tự quản đến từng nhà, lên từng nương rẫy để giới thiệu cho bà con nắm vững vị trí, lịch sử, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc trong phạm vi địa phương quản lý. Ông cũng tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của gia đình, cộng đồng và xã hội khi tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; nhắc nhở bà con đề cao cảnh giác trước âm mưu chống phá khối đại đoàn kết dân tộc.
Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho hay: Nhiều năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới thuộc địa bàn xã Hương Phong luôn giữ vững ổn định. Từ sự tận tâm, trách nhiệm của Bí thư Nguyễn Hùng, mỗi người dân nơi đây đều trở thành một chiến sĩ biên phòng.
Giữ chủ quyền giữa Biển Đông
Không thể nhớ nổi cuộc đời mình đã bao nhiêu lần vượt sóng ra khơi, mặc cho bão tố, phong ba, anh vẫn quyết tâm bám biển để giữ ngư trường và tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Anh là Trần Văn Chiến, Trung đội trưởng Trung đội dân quân biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang.
Tuổi đời hơn 53, nhưng anh đã có hơn 30 năm làm nghề đi biển. Ngày trước, tàu của anh là tàu võ gỗ, công suất nhỏ. Năm đầu tiên thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, anh Chiến mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu võ thép với tổng đầu tư hơn 18 tỷ đồng, trở thành chủ nhân tàu võ thép lớn đầu tiên của tỉnh. Anh Chiến cũng là thành viên tích cực của Liên đoàn đánh bắt, khai thác thủy hải sản số 3 của xã Phú Thuận. Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy tự hào: Khi có kế hoạch tham gia diễn tập hay thực hiện nhiệm vụ đột xuất mà địa phương huy động, anh Chiến đều tích cực đưa tàu về tham gia.
Anh Chiến chia sẻ: “Đối với ngư dân, ngư trường cũng giống như ruộng vườn của mình. Phải gìn giữ ruộng vườn để bám víu, làm ăn”.
Theo anh Chiến, có sống những ngày lênh đênh trên biển mới thấy đó không chỉ đơn thuần là một cuộc mưu sinh, mà còn là nhiệm vụ bảo vệ đối với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, dù khó khăn đến mấy, những ngư dân như anh và rất nhiều những ngư dân khác làm nghề đánh bắt xa bờ, họ đang quyết tâm bám biển để giữ ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Bá Trí