ClockThứ Tư, 08/12/2021 05:42

Vai trò tổ tự quản trong phong trào bảo vệ biên giới

TTH - Mô hình Tổ tự quản đường biên, mốc giới do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp xây dựng và nhân rộng đã phát huy hiệu quả, huy động đông đảo người dân tham gia bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới...

Chặn dịch trên tuyến biên giớiViệt Nam chủ động, tích cực đóng góp nhằm bảo đảm an ninh biểnBàn giao, tiếp nhận hồ sơ quản lý bảo vệ đường biên giới và mốc quốc giới

Tổ tự quản ở xã Trung Sơn (A Lưới) tham gia tuần tra, phát quang đường biên giới

Mỗi người dân là “chiến sĩ” biên phòng

Nhiều năm nay, Bí thư Chi bộ thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn (huyện A Lưới), ông Hồ Văn Ôn luôn đi đầu trong tuyên truyền cho bà con tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Với trách nhiệm Tổ trưởng Tổ tự quản số 2 của thôn A Niêng Lê Triêng 1, ông luôn vận động các thành viên trong tổ phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân tuần tra bảo vệ biên giới.

Ông Hồ Văn Ôn chia sẻ, Tổ tự quản số 2 của thôn A Niêng Lê Triêng 1 được thành lập từ năm 2016, với 31 hộ gia đình đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Hàng tháng, các thành viên trong tổ tự quản vận động bà con tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra định kỳ và đột xuất khi có vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới. Nhiều năm qua, tổ đã duy trì kiểm tra, kiểm soát đường biên và chăm sóc 2 cột mộc 647 và 648 do Đồn BPCK Hồng Vân quản lý, với gần 600 lượt thành viên tham gia mỗi năm. Hàng quý, tổ tự quản kết hợp với các đoàn thể trong thôn tổ chức sinh hoạt nhằm đánh giá quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Không chỉ tự nguyện tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc, già làng Quỳnh Tin ở thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân (huyện A Lưới) còn vận động con cháu trong dòng họ và bà con các dân tộc trong vùng tích cực cùng Bộ đội Biên phòng tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.

Không quản ngại khó khăn, không kể trời nắng hay mưa, già làng Quỳnh Tin thường chăm chút cho các cột mốc biên giới như chăm chút cho chính ngôi nhà của mình. Lúc thì phát quang cỏ dại, lúc lại bê từng tảng đá chắn đất quanh chân cột mốc để chống sạt lở. Những lúc không tuần tra, già Quỳnh Tin cứ đến từng nhà, lên từng nương rẫy để giới thiệu cho bà con trong bản nắm vững vị trí, lịch sử, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc trong phạm vi mình tự quản; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của gia đình, cộng đồng khi tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Theo Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn BPCK Hồng Vân, đến nay, 100% hộ gia đình ở các thôn dọc biên giới đều ký cam kết tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Hàng tháng, các tổ tự quản phối hợp với tổ công tác biên phòng tổ chức tuần tra dọc đường biên, cột mốc. Do được bồi dưỡng kiến thức về hoạt động tự quản, khi có hiện tượng lạ, hoặc người lạ xuất hiện, bà con liền báo ngay với cơ quan chức năng. Có thể nói, mỗi người dân ở đây chính là  “chiến sĩ” biên phòng.

Thắt chặt tình quân - dân

Phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khu vực biên giới đang phát triển mạnh mẽ, nên khu vực biên giới luôn ổn định. Cùng với công tác tuyên truyền, các đồn biên phòng tuyến biên giới đất liền tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước tự quản. Những thôn, bản đã có quy ước tự quản về đường biên, cột mốc biên giới, nay bổ sung thêm nội dung tự quản về an ninh trật tự. Các nội dung tự quản trong quy ước, hương ước đều được lấy ý kiến và phổ biến đến từng người dân, sau đó phát động và tổ chức cho từng gia đình đăng ký thực hiện. Việc triển khai đăng ký tự quản đường biên, cột mốc được thực hiện ngay trên thực địa với sự chứng kiến của đại diện đồn biên phòng, cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ thôn và chủ hộ trong từng cụm dân cư.

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện A Lưới, ông Pilong Mái thông tin thêm, đến nay, 100% thôn, xóm biên giới đều ký cam kết với chính quyền các xã thực hiện phong trào tự quản, với nòng cốt là bí thư chi bộ, chi đoàn thanh niên, trưởng ban mặt trận khu dân cư, công an viên. Các Đồn Biên phòng còn phối hợp với Hội Phụ nữ các xã xây dựng các tổ phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; giáo dục người thân thực hiện tốt các quy định về an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội.

Theo Đại tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, hoạt động từ mô hình tổ tự quản đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân, giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dưới sự chủ trì của chỉ huy các đơn vị, các Tổ tự quản luôn có sự hợp đồng chặt chẽ với tổ công tác biên phòng. Nhờ sự trợ giúp của bà con vùng biên giới nên công tác nắm tình hình, xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn kịp thời, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

BĐBP tỉnh đã có nhiều cách làm thiết thực trong phong trào phát huy sức dân tham gia bảo vệ biên giới, xây dựng được 49 tổ tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới, với hàng ngàn hộ dân ở khu vực biên giới tham gia.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lá cờ đầu trong phong trào thi đua

Liên tục hai năm 2023 và 2024 được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) phường Tứ Hạ là “Lá cờ đầu” trong phong trào thi đua của lực lượng vũ trang (LLVT) TX. Hương Trà.

Lá cờ đầu trong phong trào thi đua
Năng động trong các phong trào, hoạt động

Các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKD), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân (HVND) phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị…

Năng động trong các phong trào, hoạt động
Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Return to top