ClockThứ Sáu, 18/01/2019 14:43

Bộ trưởng Tô Lâm: Bỏ 6 tổng cục, Bộ Công an tiết kiệm 1.000 tỷ

Bộ trưởng Công an lý giải rõ việc bỏ 6 tổng cục tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng sáng nay.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bản chất của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với công tác xây dựng Đảng trong lực lượng CAND tập trung vào 3 vấn đề.

Đó là thực hiện sự chỉ đạo, chiến lược về bộ máy tổ chức thì khẩu hiệu sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công an đề xuất phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

“Đây là sự thay đổi trong tư duy, cách làm việc, phong cách làm việc chứ không chỉ thay đổi về bộ máy. Tư duy mới, phương pháp mới rất quan trọng, mới có thể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông khẳng định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an không có gì thay đổi nhưng bộ máy tổ chức lại có hiệu quả. Có 2 việc lớn là không tổ chức cấp trung gian và đưa lực lượng chính quy xuống bám sát cơ sở, bám vào dân.

Nói về việc không tổ chức cấp trung gian - tổng cục, Bộ trưởng Công an cho biết trong 72 năm hoạt động của ngành, có 36 năm có tổng cục, 36 năm không có.

Về việc ra đời cấp tổng cục, xuất phát điểm đầu tiên là chủ trương xây dựng những đơn vị nòng cốt để tách 2 Bộ An ninh và Bộ Công an phụ trách lực lượng cảnh sát.

“Có lúc Bộ Công an có 8 tổng cục, rồi thu gọn lại thành 6. Trong quá trình cải cách có rất nhiều ý kiến. Và hệ 'chân rết' ở địa phương là Ban chỉ huy an ninh, Ban chỉ huy cảnh sát của 2 Tổng cục cũng thực hiện được mấy năm thì quá cồng kềnh, quá phức tạp nên giải tán ngay. Cuối cùng chỉ còn Bộ là còn cấp tổng cục”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Theo ông, đây là cấp rất trung gian vì không phải cấp hành chính, không quan hệ được với cấp bộ, ngành, địa phương (cấp bộ mới làm việc được), không chỉ đạo được kể cả địa phương.

“Nếu nói về cấp hành chính thì Giám đốc Công an ở địa phương còn toàn diện hơn, giờ Tổng cục đi chỉ đạo phòng ở địa phương thì rất khó khăn", Bộ trưởng nêu thực tế.

Về việc tăng cường lực lượng bám sát cơ sở, sát với dân, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng cho rằng đây là lực lượng quan trọng vì mọi vấn đề về an ninh trật tự đều xuất phát từ cơ sở.

“Tư duy của chúng tôi  là xây dựng xã hội trật tự từ xóm làng, khu phố, làm sao giảm được tỷ lệ tội phạm, ngăn chặn tội phạm chứ không chỉ tập trung đấu tranh, điều tra khám phá vụ án”, Bộ trưởng Công an phân tích.

Việc sắp xếp bộ máy phải gắn liền với cách làm mới, tư duy mới ở tất cả các khâu như tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cho đến chính sách cán bộ.

Ngoài việc bỏ cấp trung gian, phải kể đến việc thực hiện nghiêm nguyên tắc Giám đốc Công an tỉnh, trưởng công an cấp huyện không phải là người địa phương.

“Theo thông tin chúng tôi nhận được gần đây từ Bộ Tài chính, việc sắp xếp bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng. Đấy là hiệu quả về mặt kinh tế, nó rất quan trọng giữa sắp xếp bộ máy và nguồn lực đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động đã đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của công an các cấp, không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ.

Giảm 3-5 nghìn người đi tù thì giảm được cả trại giam

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, nhiệm vụ ngành công an được xác định ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn, mục tiêu giữ vững an ninh quốc gia, trật tự xã hội trong mọi tình huống, giảm 5% tỷ lệ tội phạm tính đến năm 2020.

Ông phân tích con số ước tình giảm 3-5 nghìn vụ án mỗi năm, tức là mỗi năm ít nhất có 3-5 nghìn gia đình không có người đi tù, và 3-5 nghìn không có người bị hại, đồng nghĩa với việc 6-10 nghìn gia đình có hạnh phúc.

“Một gia đình có 1 người đi tù, một người tử hình thì hậu quả vài chục năm chưa khắc phục được. Giảm 3-5 nghìn người đi tù thì giảm được cả trại giam, cán bộ và rất nhiều vấn đề khác”, Thượng tướng Tô Lâm chia sẻ.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh với  phương châm “Chủ động, nêu gương, trách nhiệm và hiệu quả”.

Trong đó, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đảm bảo tốt nhân sự công an tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tham gia BCH TƯ khoá 13.

Năm 2019-2020, theo tính toán, khoảng 55 Giám đốc Công an tỉnh được chuẩn bị tốt để chuẩn bị cho tổ chức đại hội Đảng các cấp các địa phương sẽ tiến hành từ đầu 2020.

Đồng thời, nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về những vụ việc vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện gắn với thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự phê bình.

Theo Vietnamnet

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Công an sẵn sàng triển khai Luật Căn cước từ 1/7

Ngày 28/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết đã sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024.

Bộ Công an sẵn sàng triển khai Luật Căn cước từ 1 7
Đổi tên thành Luật Căn cước không gây xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, qua rà soát hệ thống pháp luật thì việc thay đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết khác của Quốc hội, đồng thời không có tác động xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật.

Đổi tên thành Luật Căn cước không gây xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật
Return to top