ClockThứ Sáu, 29/04/2016 11:24

Bước đầu ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL

TTH.VN - Ngày 28/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của chính quyền và nhân dân các địa phương ĐBSCL trong việc ứng phó, giảm nhẹ hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn

Hội nghị giao ban về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Theo Phó Thủ tướng, trước diễn biến phức tạp của hạn hán, xâm nhập mặn, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra, thị sát, làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về công tác phòng, chống. Đồng thời, các địa phương và nhân dân trong vùng đã chủ động, tích cực vào cuộc, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, đặc biệt là vai trò của người dân.

“Nhiệm vụ trước mắt là ưu tiên bảo đảm đời sống cho người dân, hỗ trợ người dân có đời sống ổn định, không để bất kỳ người dân nào đói hay thiếu nước sinh hoạt”,  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương chủ động bố trí ngân sách, đồng thời nhanh chóng phân bổ, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, cung cấp kịp thời thông tin về nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn để các địa phương và người dân biết, chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp.

Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương vận hành công trình để lấy nước, hướng dẫn nhân dân tranh thủ thời gian độ mặn cho phép, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, hồ, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các địa phương cần phối hợp, tăng cường liên kết trong triển khai ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN&MT sớm cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý và đề nghị các bộ, ngành Trung ương tập trung điều chỉnh các quy hoạch, xây dựng các quy hoạch mới, trong đó có quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch ngành, quy hoạch thuỷ lợi, đặc biệt là những quy hoạch trước đây đã được thực hiện nhưng ít quan tâm đến biến đổi khí hậu.

“Bộ KH&ĐT chủ trì, cùng các địa phương để xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn và hằng năm để cân đối nguồn lực, lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư trước trong bối cảnh khó khăn về vốn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.

Về cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT và các cơ quan liên quan nghiên cứu để có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người dân chủ động áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến trong sử dụng nước tiết kiệm; đồng thời nghiên cứu các biện pháp hành chính, kinh tế nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đối với các tổ chức, cá nhân.

Các bộ, ngành liên quan cũng chủ động xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi của toàn vùng ĐBSCL; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng, sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách hiệu quả.

Các địa phương tiếp tục điều chỉnh sản xuất, tăng cường quản lý việc khai thác cát, chủ động bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khôi phục, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, góp phần phòng chống sạt lở, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững.

Để giải quyết các đề xuất cụ thể của địa phương nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thuỷ lợi, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương có liên quan rà soát, lựa chọn các dự án, công trình cấp bách cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, đặc biệt là công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận bão lụt lớn, nên người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai
Hương Thủy chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Nhận định những ngày tới sẽ có đợt mưa lớn, các địa phương như Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Dương (TX. Hương Thủy) chủ động triển khai các biện pháp ứng phó tích cực nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Hương Thủy chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất
Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư
Return to top