ClockThứ Hai, 27/05/2019 05:15

Cải cách hành chính ở Nam Đông

TTH - Nam Đông là một trong 2 địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về công tác cải cách hành chính (CCHC) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) năm 2018.

Thừa Thiên Huế xếp 16/63 về chỉ số cải cách hành chính

Giao dịch hành chính tại xã Thượng Lộ, Nam Đông

Điểm sáng Thượng Lộ

Được sự giới thiệu của Phòng Nội vụ huyện Nam Đông, chúng tôi có mặt tại xã Thượng Lộ, một trong những điểm sáng trong thực hiện CCHC của huyện. Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, số lượng người đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong buổi sáng thứ 2 khá đông, đều được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, tường tận.

Chị A Rất Thị Yên ở thôn Dỗi chia sẻ: “Trước đây, việc giải quyết TTHC thường khá rườm rà, không chỉ là chờ đợi mà còn phải đi đi về về đôi ba lần mới xong. Mấy năm trở lại đây, mỗi lần đến giao dịch, chúng tôi ít phải chờ đợi, lại được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo”.

Ông Hồ Căn Say ở thôn Cha Măng thì cho biết, ông đến làm thủ tục tách thửa đất cho các con. “Mọi thứ đều được cán bộ địa chính hướng dẫn, chúng tôi chỉ cần điền đầy đủ thông tin là sớm có kết quả”- ông Hồ Căn Say vui vẻ nói.   

Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ Hồ Văn Chính thông tin, xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Thượng Lộ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Việc đầu tiên là xã dành nguồn ngân sách gần 200 triệu đồng cộng với nguồn tiết kiệm thu hơn 75 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả khang trang, hiện đại. Tiếp đến, xã đầu tư thêm hơn 200 triệu đồng để trang bị các loại máy móc thiết bị, kết nối mạng thành một hệ thống liên thông. UBND xã cũng rà soát các TTHC, quy định rõ ràng, cụ thể và công khai hóa những giấy tờ cần thiết cho việc giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức; niêm yết công khai các quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ; công khai số điện thoại nóng của UBND xã để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của công dân khi đến giải quyết công việc.

Cùng với đó, chính quyền xã rất quan tâm tới công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Công chức tuyển dụng được bố trí theo đúng ngạch và vị trí việc làm. Hàng năm, UBND xã cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn do huyện, tỉnh tổ chức. Qua đào tạo, bồi dưỡng, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được nâng lên, chuẩn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

100% văn bản điện tử, chữ ký số

Hiện, trên địa bàn Nam Đông có 8/11 xã, thị trấn đưa Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại vào hoạt động. Năm 2019, huyện dành nguồn lực xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại ở 3 địa phương còn lại. Để công tác CCHC được triển khai có hiệu quả, tại các xã đều áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc giải quyết TTHC. Huyện chỉ đạo cán bộ, công chức thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ trên phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa.

Với nhiều giải pháp tích cực, CCHC ở Nam Đông có những chuyển biến, chất lượng giải quyết TTHC ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của các cá nhân, tổ chức, nhận được đánh giá tốt từ Nhân dân. Công dân, tổ chức có nhu cầu giải quyết công việc thay vì phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi như trước, nay chỉ cần đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của xã để nộp hồ sơ, sau đó chờ đến ngày hẹn để lấy kết quả giải quyết hoặc nhận kết quả ngay. Năm 2018, toàn huyện (cấp xã và cấp huyện) tiếp nhận và giải quyết hơn 18.700 hồ sơ của cá nhân, tổ chức; trong đó, 99,48% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

Để có được kết quả cao trong công tác CCHC, ngoài việc ưu tiên nguồn lực, chú trọng yếu tố con người, huyện Nam Đông đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát CCHC. Tổ kiểm tra công tác CCHC của huyện ra đời đáp ứng được nhu cầu trước mắt. Qua kiểm tra, nếu công chức nào còn yếu, xã nào làm chưa tốt sẽ được “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thao tác trực tiếp ngay trên máy.  

Ông Dương Thanh Phước, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đông cho hay, năm 2019, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC, chú trọng công tác giải quyết hồ sơ trên các lĩnh vực theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiện toàn bộ máy, củng cố nhân sự thực hiện công tác CCHC theo hướng tinh giản cán bộ không đủ tiêu chuẩn, trong đó chú trọng 2 chức danh văn phòng thống kê và công chức đầu mối tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Đến nay, một tín hiệu đáng mừng là tại các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn của huyện đều thực hiện 100% văn bản điện tử và 100% chữ ký số, hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy tiến đến xây dựng chính quyền điện tử. 

Tiến đến xây dựng chính quyền điện tử  

Nam Đông đang tiến hành tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của nhà mạng để lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại tất cả các trụ sở UBND xã, huyện và một số nơi tiếp công dân, phòng ban chuyên môn. Với cách làm này, Nam Đông đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý văn bản, TTHC, tiến đến xây dựng chính quyền điện tử. 

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới
Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
Return to top