Bộ máy cán bộ, công chức tinh gọn sau khi được sắp xếp
Phát huy hiệu quả
Phường Gia Hội (TP. Huế) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 2 đơn vị là phường Phú Hiệp và phường Phú Cát. Sau khi sáp nhập, phường còn dôi dư 20 cán bộ chuyên trách và 23 cán bộ bán chuyên trách, đến nay đã được sắp xếp, bố trí đảm bảo theo đúng quy định.
Sau sáp nhập, Ban Thường vụ Đảng ủy Gia Hội đã kiện toàn tổ chức bộ máy, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn, bảo đảm hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu mới sáp nhập.
Ông Cao Thu, Bí thư Đảng ủy phường Gia Hội cho biết: “Xác định đây là việc lớn, việc khó và phức tạp nên cấp ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp Nhân dân. Nhờ vậy, năm 2021, phường Gia Hội có 14/14 chỉ tiêu đạt và vượt trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua.
Xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Bình Điền và xã Hồng Tiến. Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xã lại mới sáp nhập, dân số đông, địa bàn rộng, nhưng cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong xã đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu đề ra; hiện xã Bình Tiến đang tập trung thực hiện 2 chỉ tiêu còn lại là xây dựng trung tâm thương mại và trường học đạt chuẩn để đưa xã nhà sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, đầu năm 2020, các xã Lâm Đớt, Quảng Nhâm, Trung Sơn của huyện chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 6 xã trước đó. Ngay sau khi sáp nhập, các xã đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của HĐND để bầu các chức danh chủ chốt, đồng thời tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức không phân biệt cũ, mới mà cần phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc chung. Các chức danh này đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được HĐND bầu, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Theo ông Bạch Chơn Đông, qua 2 đợt sắp xếp các ĐVHC cấp xã, toàn tỉnh hiện có 141 ĐVHC cấp xã (95 xã, 39 phường và 7 thị trấn), giảm được 11 ĐVHC. Sau khi được sáp nhập, bộ máy hệ thống chính trị ở các ĐVHC cấp xã, phường mới thành lập đã đi vào hoạt động ổn định, cấp ủy, chính quyền đoàn kết, tổ chức thực hiện cơ bản đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã đã góp phần tiết kiệm nguồn lực, giảm chi ngân sách hàng năm ước khoảng 12.505.291.000 đồng (giảm chi lương, phụ cấp 6.944.925.000 đồng; giảm chi phí hoạt động 5.560.366.000 đồng) tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sắp xếp cán bộ dôi dư
Sau khi sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức dôi dư so với quy định của Chính phủ là 211 người. Các địa phương đã thực hiện các phương án bố trí chuyển sang các đơn vị thiếu; tiếp nhận lên công chức huyện, thay thế cán bộ nghỉ hưu… và giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ dôi dư cho 145 cán bộ, công chức. Đến nay, đối với các ĐVHC mới vẫn còn dôi dư 64 người chưa được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, do sắp xếp một lúc 6 xã để thành lập 3 xã nên số lượng cán bộ công chức, những người hoạt động không chuyên trách dôi dư khá lớn. “Hiện A Lưới còn gần 40 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư cần sắp xếp, bố trí công việc”, ông Hùng cho biết.
Ông Bạch Chơn Đông phân tích, số lượng cán bộ, công chức dôi dư do việc sáp nhập được thực hiện cùng với thời điểm thực hiện Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14, tỉnh Thừa Thiên Huế về giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và giảm Phó trưởng Công an xã thực hiện đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Hơn nữa số cán bộ, công chức tại các xã khi thực hiện sắp xếp ĐVHC đa số còn trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định nên việc sắp xếp để giải quyết chế độ, chính sách gặp nhiều khó khăn. Chưa kể việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức các xã còn phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức đang đảm nhiệm. Hiện, các địa phương đang tập trung thực hiện công tác sắp xếp số lượng cán bộ dôi dư còn lại, phấn đấu chậm nhất đến hết ngày 31/12/2022 sẽ hoàn thành. Hướng sắp xếp được ưu tiên ngoài bố trí chuyển sang các đơn vị thiếu, tiếp nhận lên công chức huyện, thay thế cán bộ nghỉ hưu sẽ hướng đến đưa vào một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc của huyện với phương châm vừa phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ dôi dư vừa bảo đảm số lượng đúng theo quy định.
Bài, ảnh: HẢI THUẬN