Công chức Văn phòng - Thống kê thị trấn Phong Điền tra cứu hồ sơ trên thiết bị hiện đại
95% người dân thị trấn hài lòng
Trụ sở BPTN&TKQHĐ của UBND thị trấn Phong Điền có diện tích 97m2, trong đó có khu vực làm việc của cán bộ, công chức thị trấn và phòng dành cho người dân ngồi chờ. Mọi thủ tục của người dân đều được tiếp nhận, xử lý trên máy vi tính có kết nối internet và công khai trên màn hình hiển thị thông tin. Tại đây được bố trí đầy đủ trang thiết bị hiện đại như: camera giám sát, máy vi tính để bàn, máy tra cứu thông tin, bộ thiết bị máy quét và thiết bị đọc mã vạch, máy photocopy... Các thủ tục, quy định về mức lệ phí được niêm yết công khai. Với mô hình này, người dân chỉ nộp và nhận hồ sơ ở một nơi và có thể theo dõi hồ sơ của mình đã được giải quyết đến đâu, bao giờ có thể nhận kết quả.
Bà Nguyễn Thị Yên, Công chức Văn phòng – Thống kê thị trấn Phong Điền cho hay: Từ khi đưa mô hình “Một cửa hiện đại” vào hoạt động, người dân ở bất kỳ địa điểm nào cũng có thể điền vào các mẫu có sẵn và nộp hồ sơ trực tuyến thông qua máy tính kết nối mạng vào địa chỉ website của thị trấn để được giải quyết. Ngoài ra, tại bộ phận này có cài đặt phần mềm để theo dõi hồ sơ chậm giải quyết. Nếu có, máy sẽ tự động báo, giúp cho cán bộ, công chức kịp thời giải quyết hồ sơ còn tồn đọng và phải chú tâm hơn đến công việc, phần việc của mình.
Ông Nguyễn Đăng Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền cho biết, từ ngày khai trương BPTN&TKQHĐ (ngày 1/7) đến ngày 3/10/2018, UBND thị trấn đã tiếp nhận 172 hồ sơ về hộ tịch, chứng thực, tôn giáo, người có công, đất đai…và đã giải quyết xong 100% hồ sơ. Qua khảo sát có đến 95% người dân hài lòng về hoạt động của BPTN&TKQHĐ của UBND thị trấn.
Sẽ triển khai toàn huyện
BPTN&TKQHĐ xã Phong Bình cũng vừa mới khai trương vào đầu tháng 10 này, được đầu tư đồng bộ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình phấn khởi: “Được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện và bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, UBND xã đã đầu tư trên 500 triệu đồng để trang cấp các trang thiết bị cho BPTN&TKQHĐ. Qua đó, giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức và người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng. Lãnh đạo xã sẽ giám sát được hoạt động của các bộ phận, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, không để quá hạn giao trả hồ sơ.
Theo ông Đặng Quang Bình, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phong Điền, ngoài 2 đơn vị điểm được đưa vào hoạt động, từ nay đến cuối năm 2018, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình BPTN&TKQHĐ ở các xã Điền Hương, Điền Lộc, Phong Hải, Điền Môn, Phong Chương, Phong Xuân, Phong Sơn, Điền Hòa, Phong Hiền, Điền Hải. Những xã còn lại sẽ triển khai vào năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Việc đưa BPTN&TKQHĐ của 2 đơn vị thị trấn và Phong Bình đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực. Theo đề án của tỉnh và kế hoạch của huyện thì mô hình BPTN&TKQHĐ là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết TTHC. Huyện sẽ phấn đấu có 100% xã, thị trấn hoàn thành việc xây dựng BPTN&TKQHĐ vào cuối năm 2019.
Bài, ảnh: Hải Huế