ClockThứ Năm, 05/12/2024 06:00

Tiết giảm thời gian, nâng cao hiệu quả

TTH - Việc triển khai các phòng họp thông minh, hội nghị, kỳ họp không giấy tờ là dấu ấn góp phần cải cách thủ tục hành chính toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại.

"Chìa khoá vàng" từ chuyển đổi số tài chính - ngân sáchHỗ trợ cộng đồng tiếp cận công nghệ số

 Cán bộ, công chức xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) trao đổi, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm

Được triển khai năm 2019, đến nay, các kỳ họp “không giấy tờ” của HĐND tỉnh đã cho thấy hiệu quả cao. Chỉ cần một máy tính bảng, các đại biểu dễ dàng truy cập vào tài liệu, nội dung liên quan đến kỳ họp. Nhờ vậy, các kỳ họp tiết giảm được một lượng lớn thời gian trình bày các báo cáo tại hội trường. Nội dung, chương trình của kỳ họp cũng được sắp xếp khoa học. Từ đó, các đại biểu có nhiều thời gian hơn cho các nội dung trọng điểm, như thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn…

Đại biểu Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chia sẻ, việc tích hợp các tài liệu kỳ họp lên hệ thống phần mềm giúp các đại biểu chủ động nghiên cứu; dễ dàng tìm kiếm các vấn đề cần quan tâm. Đại biểu không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn theo dõi, nắm được tổng quát tất cả các nội dung kỳ họp.

“Ngoài các kỳ họp chuyên đề, các kỳ họp thường lệ có rất nhiều nội dung, tài liệu. Trước đây, trong quá trình nghiên cứu tài liệu bằng giấy, chúng tôi khá vất vả. Nhưng nay, khi tài liệu được số hóa, đại biểu hội đồng dễ dàng trong việc nghiên cứu, tìm kiếm các vấn đề liên quan” ông Minh nói.

Không chỉ HĐND tỉnh, các kỳ họp của HĐND cấp cơ sở cùng được “số hóa”. Mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác chuẩn bị trước, trong và sau các kỳ họp. Sự tương tác của các thành viên dự họp được tăng lên. Lãnh đạo cũng có nhiều thuận lợi trong việc đưa ra các quyết định, nhất là các vấn đề phát sinh, đột xuất…

Để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò then chốt, bởi đây là nền tảng, cơ sở đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên quan. Hiện nay, trong quá trình xây dựng chính quyền số, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã từng bước hoàn thiện hạ tầng, dữ liệu.

Theo ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, tại địa phương này, tỷ lệ máy vi tính của các cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND huyện và cấp xã được bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức có kết nối mạng WAN, mạng LAN là 100%; đã triển khai 100% việc chuyển đối IPv6 của tỉnh tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện; đã đầu tư cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính gắn với công tác chuyển đổi số ở cấp xã…

“Các phòng họp trực tuyến cấp huyện được trang bị hệ thống hạ tầng đầy đủ. Từ đó, chúng tôi đẩy mạnh triển khai họp trực tuyến, hội họp không giấy tờ; tăng cường triến khai dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích”, ông Bảo cho biết.

Thừa Thiên Huế là địa phương tạo được nhiều dấu ấn trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển chính quyền số. Thông tin từ UBND tỉnh cho thấy, với sự quan tâm đầu tư, đến nay, 100% cơ quan nhà nước trong tỉnh duy trì sử dụng thư điện tử công vụ và hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh phục vụ hoạt động của đơn vị. 100% các văn bản được các cơ quan nhà nước trong tỉnh trao đổi hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử (trừ văn bản mật) và sử dụng chữ ký số.

Nền tảng báo cáo số được vận hành trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu đã có từ các năm trước được chuẩn hóa, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia được công bố, sử dụng kết quả dữ liệu trong nền tảng làm việc số, thu thập dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phân tích tạo lập báo cáo số, đáp ứng mô hình quản lý toàn diện từ cấp tỉnh đến cấp xã…

“Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 100% tiêu chí phát triển chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025. Có thể thấy rằng, việc số hóa các quy trình làm việc mang lại nhiều hiệu quả, đặc biệt, với mô hình tích hợp lại tất cả các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử đã tạo ra một nền tảng thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước, thực thi công vụ của công chức, viên chức”, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Chìa khoá vàng" từ chuyển đổi số tài chính - ngân sách

Hiện nay, khi mà các phương pháp thủ công, tốn thời gian tiềm ẩn nhiều sai sót thì ở Quảng Điền, chuyển đổi số tài chính - ngân sách đã từng bước cho thấy hiệu quả. Đây là địa phương đầu tiên được triển khai thí điểm mô hình này.

Chìa khoá vàng từ chuyển đổi số tài chính - ngân sách
Gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số

Với quân số chiếm hơn một nửa toàn lực lượng, tuổi trẻ Công an tỉnh đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong nhiệm vụ chuyển đổi số, thể hiện rõ trong triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số
Return to top