Nguồn cơn vụ án bắt đầu từ những điều hết sức nhỏ nhặt. Chiều tối hôm đó, S. đến nhà P. để lấy tiền góp hụi của vợ P. Đang ngồi ăn nhậu cùng hai người bạn trước hiên nhà, P. cất tiếng hỏi “đi mô rứa”, nhưng S. không trả lời mà đi thẳng vào nhà gặp vợ P. Cho rằng S. thiếu lịch sự, “gai mắt” nên P. đi vào nhà gây gổ, đồng thời tát vào đầu S. 2 cái. S. không nói gì, bỏ về.
Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, S. cùng anh rể đến gặp P. Hai bên lời qua tiếng lại, xô xát đánh nhau. S. bị P. dùng dao nhọn đâm 1 nhát trúng vùng ngực bên phải, phải đưa đi cấp cứu, phẫu thuật, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. P. bị bắt tạm giam.
Người thân của bị hại vẫn còn run sợ khi nhớ lại tình trạng nguy hiểm của S. hôm xảy ra vụ án. “May mà ca mổ thành công, em tôi giữ được mạng sống, nhưng sức khỏe giảm sút. Mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức” - Chị ruột của S. trình bày.
Thế nhưng với lý do P. bị bắt tạm giam, vợ P. một mình làm lụng nuôi con đã quá vất vả nên không hề thăm hỏi, bồi thường bất cứ khoản nào cho bị hại. Chỉ đến lúc gần ngày mở phiên tòa, gia đình bị cáo mới đưa đến bồi thường 25 triệu đồng. Trong lúc chi phí điều trị, thu nhập của bị hại và của người chăm sóc trong thời gian bị hại điều trị bị mất, khoản tổn thất tinh thần đối với bị hại, được kê khai tổng cộng hơn 96 triệu đồng.
Hội đồng xét xử phân tích tính chất nguy hiểm của hành vi do bị cáo gây ra, đồng thời cũng phân tích bị hại có một phần lỗi nhỏ, khi về nhà rủ anh rể cùng mình quay trở lại nhà P. để giải tỏa bực tức do bị P. tát trước đó. Qua điều này, nhắc nhở cảnh báo chung cho tất cả mọi người phải biết giữ bình tĩnh trong ứng xử, để tránh dẫn đến những điều đáng tiếc như vụ án đã xảy ra.
Vị hội thẩm Nhân dân phân tích: Bị hại đang là một thanh niên khỏe mạnh lành lặn, sau nhát đâm của bị cáo gây thủng phổi, mặc dù đã được phẫu thuật, giữ được mạng sống, nhưng bây giờ cho đến mãi mãi về sau này không còn là người hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh như trước được nữa. Bị cáo thử đặt mình vào hoàn cảnh của bị hại để suy nghĩ lại. Tích cực bồi thường khắc phục hậu quả cũng là biểu hiện của thực sự ân hận. Chúng tôi tin rằng, nếu bị cáo làm được điều đó, bị hại cũng sẽ tha thứ, xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, để bị cáo có cơ hội sớm trở về với gia đình.
Sau những phân tích của hội đồng xét xử, hai bên gia đình bị hại và bị cáo có sự xúc tiến, hòa giải với nhau và cuối cùng đi đến thỏa thuận: bị hại rút yêu cầu về khoản bồi thường tổn thất tinh thần 16 triệu đồng. Còn lại số tiền 55 triệu đồng, gia đình bị cáo bồi thường 1 lần ngay tại phiên tòa. Bị hại đề nghị tòa áp dụng cho bị cáo mức án thấp nhất. Bộc bạch dù hơi muộn, nhưng cuối cùng bị cáo cũng đã thực lòng ân hận. Bị hại cũng cởi bỏ được những “uẩn khúc” bấy lâu nay.
Sau khi xem xét cho bị cáo những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo quy định của pháp luật, trong đó có tình tiết bồi thường toàn bộ thiệt hại; bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo, hội đồng xét xử áp dụng mức án dưới khung hình phạt, xử bị cáo 14 tháng tù.
Có những tiếng thở phào nhẹ lòng bởi bị cáo thực sự biết ân hận và người bị hại cũng thực tâm tha thứ…
Duy Trí