ClockThứ Tư, 27/11/2024 06:33

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 3: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

TTH - Để câu nói trên không chỉ là khẩu hiệu, Trường tiểu học Thuận Thành và Trường THPT Cao Thắng, 2 ngôi trường tham gia dự án “Trường học hạnh phúc” của Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc đã áp dụng các bài thực hành, tạo ra môi trường học đường thân thiện.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường họcKiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 2: Giáo viên - người truyền cảm xúc tích cực

Buổi sinh hoạt CLB Em hạnh phúc ở Trường tiểu học Thuận Thành 

Trường học vui

Giờ ra chơi tại Trường tiểu học Thuận Thành (TP. Huế), tất cả học sinh ùa ra sân chơi đùa, tiếng nói, tiếng cười rộn vang cả sân trường. Một đám học trò chạy đến phòng cô Hiệu trưởng để chào hỏi, nói chuyện, trong đó có một số em bị khiếm khuyết về trí tuệ. Chủ động chào các em, cô Hiệu trưởng Võ Thị Tú Khanh thân thiện gọi tên từng em, hỏi hôm nay con đi học có vui không, ăn trưa, ngủ trưa thế nào… Giữa cô và trò thân thiết, vui vẻ, không có khoảng cách. Cô nhớ hết hoàn cảnh của từng em, từ ngày bước vào trường đến nay thay đổi, tiến bộ ra sao.

Hôm ấy là chiều thứ Tư tuần cuối của tháng 10, sau khi kết thúc chương trình chính khóa, CLB Em hạnh phúc của trường tổ chức sinh hoạt. Buổi đầu tiên, các em được hướng dẫn luyện tập hơi thở chú tâm. Trong phần khởi động vui nhộn, các em tham gia trò chơi hơi thở của thỏ, sư tử và voi, sau đó được giới thiệu một kiểu thở khác: Hơi thở chú tâm. Trong yên lặng, các em ngồi vòng tròn và được cô giáo Nguyễn Trần Nhật Nguyệt hướng dẫn tập trung vào hơi thở và lắng nghe, rồi phát biểu cảm nhận sau khi thực hành.

CLB Em hạnh phúc được Trường tiểu học Thuận Thành duy trì nhiều năm nay, nhằm giúp trẻ xây dựng nền tảng cho sự phát triển tinh thần, cảm xúc và xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Bà Tú Khanh cho hay: “Nhà trường muốn tạo môi trường để học sinh được sinh hoạt, vui chơi, giao lưu với thầy cô và bạn bè. Đây cũng là nơi các em được học cách nhận diện các cảm xúc khác nhau, học cách kiềm chế, kiểm soát các phản ứng tiêu cực, phát triển kỹ năng giải quyết xung đột, tăng cường khả năng giao tiếp, đồng cảm cũng như thúc đẩy sự tự tin và lòng tự trọng”.

Lúc 4 tuổi, Võ Bình Minh, học sinh lớp 5/4 gặp khó khăn trong giao tiếp. Lên lớp 1, em cũng không chịu đi học. Tuy nhiên, chỉ sau học kỳ đầu tiên, với sự quan tâm và thấu hiểu học sinh của giáo viên, em thích đi học và khá hòa đồng với bạn bè. Bình Minh kể với mẹ rằng, các cô giáo quan tâm, động viên em rất nhiều. Các bạn trong lớp rất dễ thương và đối xử tốt với nhau. Bình Minh cũng là một thành viên của CLB Em hạnh phúc, tham gia từ năm học lớp 4.

Chị Võ Thị Hoàng Nguyên, mẹ của Bình Minh cho hay: “Tham gia CLB là khoảng thời gian các con thư giãn sau giờ học và cũng là sân chơi giúp tránh xa thiết bị điện tử, ti vi. Cháu biết cách quản lý và bày tỏ cảm xúc, nói yêu mẹ nhiều hơn. Cháu yêu thích các môn học và hào hứng hơn khi tới trường, tới lớp. Về nhà, cháu vui vẻ và học cũng hiệu quả hơn, các năm học đều là học sinh xuất sắc. Với cháu Bình Minh, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Cảm ơn Trường tiểu học Thuận Thành đã tạo ra một môi trường sư phạm tuyệt vời cho học sinh”.

Học sinh viết lời tri ân 

Lớp học hạnh phúc

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường THPT Cao Thắng tổ chức cho ban cán sự các lớp thực hành “Nuôi dưỡng lòng biết ơn”. Tự tay sáng tạo từng bài viết, trang trí từng góc báo tường, các em học sinh không chỉ bày tỏ sự tri ân đối với thầy cô, tôn vinh nghề giáo mà còn là dịp để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, sáng tạo và phát triển ý tưởng. Buổi thực hành cũng lan tỏa tinh thần “tôn sư trọng đạo”, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của lòng biết ơn.

Những hoạt động tương tự được cô giáo Nguyễn Thị Kim Quý, giáo viên Trường THPT Cao Thắng thường lồng ghép trong các tiết học và sinh hoạt của lớp 12C do cô làm chủ nhiệm. Cô Quý cho rằng, hạnh phúc đơn giản là khi con người cảm thấy thoải mái, vui với công việc của mình. Từ tinh thần đó, cô lồng ghép trong các tiết học, vừa truyền đạt kiến thức bộ môn vừa liên hệ thực tế để truyền cảm hứng. Cô cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, như viết thư tri ân đối với bố mẹ, thầy cô để học sinh nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, lòng biết ơn, tình cảm gắn bó với gia đình, trường lớp.

Qua những hoạt động này, học sinh kết nối với nhau trong tinh thần xây dựng lớp học hạnh phúc. Tập thể lớp 12C rất đoàn kết, hầu như không có hiềm khích, phân biệt đối xử. Lê Thái Lạc Thư, học sinh lớp 12C cho biết, vào những tiết học do cô chủ nhiệm đứng lớp, chúng em được trải nghiệm, làm việc cùng nhau trong không khí sôi nổi, thoải mái, thoát khỏi sách vở. Từ đó, giải tỏa những căng thẳng trong giờ học, phát triển các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, học cách bày tỏ cảm xúc trước mọi người cũng như lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau.

Quy tắc của lớp 12C là tử tế và tôn trọng lẫn nhau. Cô tôn trọng các trò và các trò tôn trọng cô. Bản thân cô cũng có những cảm xúc khó và thay vì để loang ra trong cơn giận vì sự lệch chuẩn của học trò, cô biết quản lý cảm xúc, nhìn lại để tìm nguyên nhân, cách giải quyết. Cô chủ nhiệm cũng xây dựng vòng tròn cảm xúc để những bạn có khúc mắc chia sẻ trong vòng tròn này. Học sinh tham gia cam kết bảo mật, chỉ im lặng lắng nghe bằng cả tấm lòng. Nếu chưa sẵn sàng, các bạn có thể viết ra và cô sẽ đọc, chia sẻ riêng.

Cô Quý tâm sự: “Quan điểm của tôi là dạy học không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn định hướng cho học sinh những kỹ năng mềm, kỹ năng đón nhận và giải quyết vấn đề, kỹ năng chấp nhận cảm xúc. Thế giới nội tâm của học trò có nhiều cảm xúc phức tạp, hoàn cảnh của các bạn cũng không giống nhau. Cô lắng nghe các em nhiều hơn để thấu hiểu và đồng hành để trò có điểm tựa từ cô chứ không phán xét. Khi các em bộc bạch những nỗi niềm sâu kín trong sự tin tưởng và an toàn, sẽ giải tỏa phần nào những căng thẳng nội tâm, “chữa lành” những vết xước mà các em gặp phải. Việc xây dựng lớp học hạnh phúc giúp học sinh luôn nuôi dưỡng và phát triển tình cảm tích cực, tránh những cảm xúc khó. Các em được ở trong vòng tròn chở che của cả lớp và vượt qua trở ngại tâm lý, thấy tự tin, vui và hạnh phúc hơn khi đến trường”.

Thân thiện, đoàn kết

Sau khi thực hành “Trường học hạnh phúc”, sự thay đổi trong cách ứng xử giữa lãnh đạo với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh và học sinh với nhau tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, hài hòa, tôn trọng, đoàn kết, vui vẻ. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng - ông Đoàn Văn Tiến cho hay, mỗi ngày, giáo viên vui vẻ xách cặp đi dạy, học sinh hào hứng đi học, đó là thành công.

Trường THPT Cao Thắng có trên 80 giáo viên, hơn 1.100 học sinh, đương nhiên vẫn có việc này, việc kia nhưng ít khi có xung đột, mâu thuẫn lớn. Mọi thứ được công khai, rõ ràng, minh bạch. Phương châm giải quyết mọi việc là xử lý công việc, không xử lý con người. Thầy cô ứng xử với học sinh cũng vậy nên học sinh thoải mái tham gia các hoạt động, đề đạt ý kiến của mình, ngoan và chăm học. Trước đây, trường cũng có nhiều vụ học sinh xô xát, ẩu đả, thậm chí vô lễ với giáo viên. Nhưng những năm gần đây, trường không có bạo lực học đường. Chất lượng của trường ngày càng đi lên, phụ huynh yên tâm khi cho con theo học.

Là một cán bộ quản lý, nhiều năm qua, bà Võ Thị Tú Khanh luôn tìm phương hướng để xây dựng ngôi trường mơ ước đạt mục tiêu giáo dục “vì sự phát triển của con người”. Ở Trường tiểu học Thuận Thành, có gần 80 học sinh khuyết tật và học hòa nhập. Nhiều em đã tiến bộ trong nhận thức và học tập khi được học ở ngôi trường đầy tình yêu thương, giáo viên luôn mang đến cho học trò năng lượng tích cực, kiến thức và niềm vui trong giờ học. Giáo viên cũng nắm bắt được tâm lý học đường của mỗi lứa tuổi, giúp học sinh thay đổi, tiến bộ, xác định được cảm xúc bản thân.

Tạo ra được môi trường trường học hạnh phúc cũng chính là giúp giáo viên làm công việc của họ một cách nhẹ nhàng, không phải gồng mình trước những áp lực. “Chúng tôi hy vọng, với sự cần mẫn, tâm huyết của giáo viên, Trường tiểu học Thuận Thành sớm trở thành môi trường mà giáo viên, học sinh luôn cảm thấy như một gia đình”, bà Khanh tâm huyết.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành giáo dục. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người Việt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả sẽ gặp không ít khó khăn.

Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1 Áp lực từ trường học
HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

Có bề dày gần 50 năm kinh nghiệm hoạt động chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai các giải pháp để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số, một bước đi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành và sự phát triển không ngừng của xã hội.

HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số
Return to top