Khi phạm tội, bị cáo (27 tuổi) là người hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Khi trở thành người bị hại trong vụ án, nạn nhân mới 8 tuổi. Hôm đó, lúc ông bà ngoại ở trong nhà thì cháu bé gái ngồi học bài trước hiên. Bị cáo đi lang thang ngang qua, thấy cháu bé ngồi một mình, vào rủ đi chơi cùng. Cháu bé từ chối, bảo mình còn phải học bài. Dụ sẽ cho kẹo, nhưng cháu bé vẫn không đồng ý, thì bị cáo nắm chặt cánh tay của bị hại kéo đến bãi đất trống, cách nhà một vạt mồ mả.
Tại đây, trong quá trình bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, bị hại hoảng hốt vùng bỏ chạy. Do rơi chiếc dép, bị hại dừng lại nhặt, thì bị bị cáo bắt kịp và thực hiện hành vi dâm ô. Hoảng sợ, bị hại về kể cho người thân. Dì ruột của bị hại đến hiện trường, thấy bị cáo vẫn ngồi ở đó, nên báo công an. Bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Mẹ bị cáo bệnh tật, gầy ốm quắt queo. Bà liêu xiêu tựa vào bức tường phòng xét xử, chừng cho khỏi ngã. Sức khỏe kém, nhưng vẫn phải ráng sức phụ chồng mưu sinh, nên cả mẹ và bố của bị cáo đành “nhắm mắt”, mặc kệ cho đứa con trai tâm thần không được bình thường như người khác, hàng ngày lang thang ngoài đường. Mẹ bị cáo nghẹn ngào giãi bày, gia đình cũng chủ quan, vì bao năm qua, đứa con tuy “ngờ ngệch”, nhưng chưa từng gây hại cho ai. Đâu có ngờ...
Nếu sớm biết con mình có thể thực hiện hành vi gây hại nghiêm trọng như thế này, chắc chắn gia đình sẽ quan tâm hơn, có những biện pháp để quản lý con chặt hơn.
Mẹ bị hại kể, mặc dù sự việc xảy ra đã gần 5 tháng, nhưng đến bây giờ con gái của bà vẫn chưa hết sợ hãi. Người thân trong gia đình, ai cũng đau lòng trước những tổn thương tinh thần mà một bé gái mới 8 tuổi phải chịu. Bởi vậy không riêng bà, mà mọi người trong gia đình ai cũng day dứt, ân hận bởi sự bất cẩn, chủ quan của mình. Giá như người thân luôn bảo vệ cháu trong tầm mắt. Giá như trước đó ông, bà, cha, mẹ dặn dò con, cháu mình phải biết đề phòng người lạ, kêu cứu để được giúp đỡ trong những trường hợp nguy cấp. Giá như được trang bị kỹ năng tốt thì trong vụ án này, cháu bé sẽ không vì sợ mất chiếc dép, dừng lại nên bị bị cáo đuổi kịp. Mặt khác, gia đình bị cáo và chính quyền địa phương có biện pháp quản lý người bị tâm thần hiệu quả hơn... thì chuyện đau lòng có thể đã bị ngăn chặn.
Nhưng tất cả đã muộn. Dù bị cáo phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật hình sự xử lý, nhưng không thể vãn hồi sự thương tổn trong tâm hồn đứa trẻ. Và không biết tổn thương đó sẽ còn ảnh hưởng đến bao giờ. Vậy nên, hội đồng xét xử gửi “thông điệp”: Thông qua vụ án này, mọi gia đình cần phải tăng cường cảnh giác, bảo vệ con, em mình chặt hơn; trang bị các kiến thức, kỹ năng để trẻ vị thành niên đảm bảo được an toàn, chống sự lạm dụng, xâm hại.
Hiện nhiều trường tiểu học, trung học trên địa bàn TP. Huế và một số huyện, thị xã như Hương Thủy, Phú Vang… phối hợp với Trung tâm kỹ năng sống Hoàn Năng trang bị cho học sinh các kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại.
Cùng với nhà trường, nếu người thân, gia đình thực hiện tốt việc bảo vệ con, em mình như nêu trên, thì sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các trường hợp trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục, hạn chế loại tội phạm nguy hiểm này.
Quỳnh Anh