Vợ chồng vất vả làm lụng nuôi con khôn lớn, xây dựng một mái nhà, vun vén một gia đình. Không ngờ khi cha đã khuất núi, đứa con “buộc” mẹ phải cắn răng đến chốn pháp đình, nhờ tòa phân chia phần di sản mà ông để lại.
Người mẹ già như thể “cõng” thêm cả chục tuổi kể từ ngày bà phải đưa đơn đến TANĐ TP. Huế, nhờ pháp luật xử chia thừa kế phần di sản của chồng, là ½ giá trị nhà đất (300m2) do vợ chồng cùng tạo lập. Tài sản đó do vợ chồng đầu tắt mặt tối, tảo tần bao năm mới xây dựng được, để 7 người con cứ thế được sinh ra, cùng nhau lớn lên. Những đứa con, có người lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng, nhưng cũng có đôi ở cùng cha mẹ, vì chưa thể có điều kiện.
Người cha qua đời trước, không để lại di chúc. Mấy năm gần đây, giá đất tăng lên. Thửa đất 3002 cùng một số kiến trúc, tài sản trên đất có trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Ngày mỗi già đi, người mẹ tính “xử lý” khối tài sản, chia cho các con mỗi người một phần. 300 mét đất không thể cắt ra chia 7 phần (vì chỉ vài chục mét vuông thì không đủ diện tích để được tách thửa, cấp sổ đỏ theo quy định hiện hành). Vậy nên, bà tính sẽ bán toàn bộ thửa đất, dành một phần mua căn nhà nho nhỏ ở vị trí khác rẻ tiền hơn, số tiền còn lại chia cho các con.
Sáu người con thuận theo ý mẹ. Chỉ có con trai thứ ba nhất quyết không đồng ý. Vợ chồng con cái anh này (hiện đang ở trong khuôn viên thửa đất) nằng nặc đòi phải được chia đất. Nhiều cuộc họp gia đình diễn ra, nhưng con trai vẫn khăng khăng, thậm chí không tiếc những lời thách thức, cạn tình cạn nghĩa với mẹ. Buộc lòng, người mẹ phải làm điều không bao giờ muốn, đó là đưa đơn đến tòa, yêu cầu chia thừa kế tài sản của chồng để lại là ½ trị giá nhà đất ông bà cùng tạo lập trong khối tài sản chung vợ chồng.
Quá trình giải quyết vụ án, trong những phiên hòa giải, bị đơn không một lần ký vào biên bản. Tòa án mở phiên tòa, anh này cứ vắng mặt, buộc lòng hội đồng xét xử phải tuyên bố hoãn. Phiên tòa mở lần hai, ghế bị đơn vẫn trống. Và lần này, căn cứ các quy định của pháp luật, tòa xét xử vắng mặt.
Người mẹ già suốt buổi mặt buồn rười rượi: “Cha mẹ nào cũng thương yêu lo lắng cho con cái hết lòng. Vợ chồng tôi cũng vậy, cứ nghĩ gia đình sẽ đầm ấm. Chồng tôi cũng vì niềm tin đó mới không để di chúc làm gì. Tôi đâu ngờ, có ngày mẹ con phải đưa nhau ra tòa. Buồn lắm. Người đã khuất cũng đau lòng ...”.
Mới đây, TAND TP.Huế cũng thụ lý giải quyết vụ chia thừa kế, mà nguyên đơn là người cha. Vợ mất, không để lại di chúc. Để yên tâm trước lúc “trăm tuổi”, ông muốn bán nhà đất chỉ vài chục mét vuông (nhưng ở vị trí vàng nên có giá tiền tỷ), để chia cho các con. Một người con không đồng ý, vì muốn “ôm” hầu hết tài sản. Không những cạn tình, người con thậm chí có những lời nói, hành vi “khủng bố”, khiến người cha bức xúc, phải ra khỏi nhà.
Các thẩm phán cho biết, các vụ án chia thừa kế, tranh chấp tài sản giữa những người ruột thịt dù trị giá tài sản khác nhau, nhưng đều có chung hệ lụy rất xót xa và đau lòng: tình máu mủ, ruột thịt sứt mẻ, chia cắt cả tình cảm của các thế hệ con, cháu của họ. Vậy nên, mỗi người cần “bồi đắp” cho mình tình cảm gia đình, lòng tôn kính, hiếu nghĩa với cha mẹ theo đạo lý. Điều đó là “bức tường rào” chắc chắn nhất, ngăn cản lòng tham, sự ích kỷ...
Duy Trí