Trong một phiên tòa (do TAND TP. Huế xét xử), bị cáo 17 tuổi rụt rè bảo lâu lắm rồi, cả cha và mẹ mới cùng có mặt bên bị cáo.
Điều đáng tiếc, cha mẹ con cái lại bên nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu, đứa con phải đứng trước vành móng ngựa, bị xét xử về hành vi trộm cắp. Mẹ bị cáo tâm sự, từ sau ly hôn, chị thuê nhà trọ ở. Đứa con trai lớn được “chia” ở nhà nội, nhưng nó vẫn chạy qua chạy lại, có khi đến ở với mẹ vài hôm. Suốt ngày “cắm mặt” kiếm tiền mưu sinh, trang trải cuộc sống, nên nhiều lần con trai lêu lổng, chìm đắm trong các quán game mà chị không hề hay biết, cứ tưởng con đã về bên ông bà nội.
Bị cáo khai hôm đó chơi game tại quán nét từ tối cho đến 1 giờ sáng mới đi trộm xe máy. Trộm xong lại về quán nét tiếp tục “cày” game cho đến 7 giờ sáng. Tòa: “Tại sao buổi tối, giờ mọi người đi ngủ, bị cáo không ngủ còn đi chơi? Có phải mục đích của bị cáo là đợi mọi người đi ngủ, rồi tìm sơ hở để trộm cắp? Nếu bị cáo cứ tiếp tục kiểu sống như thế này thì cuộc đời bị cáo sẽ ra sao?”. Bị cáo “trả lời” bằng cách cúi mặt. Người cha trần tình, dẫn đến sự việc đáng buồn ngày hôm nay đều là lỗi do ông. Vợ chồng ly hôn, ông bận kiếm tiền nuôi hai con nhỏ nên lơ là, không theo sát được đứa con này. Đôi mắt lo âu trên gương mặt khắc khổ rớm nước.
Đó cũng là tình cảnh trong một phiên xét xử khác (cũng diễn ra TAND TP. Huế). Vụ trộm cắp này gồm 2 bị cáo T và Th. Trong đó, T không cha, ở với ông bà ngoại từ lúc còn đỏ hỏn, kể từ ngày mẹ đi lấy chồng. Còn bố mẹ Th ly hôn, Th được cậu ruột đem về nuôi từ lúc mới 1 tuổi. Hôm tòa xét xử, cậu của Th không tới. Cha mẹ Th chẳng thấy mặt mũi đâu. T may mắn hơn, nhưng có lẽ trong hoàn cảnh đó, sự có mặt của bà ngoại, mẹ và cha dượng cũng chẳng thể nào lấp đầy khoảng trống “không cha mẹ” trong những năm tháng tuổi thơ.
Bà ngoại T nước mắt ngắn dài. Mười mấy năm về trước, mẹ T yêu đương, lỡ có thai. Người đàn ông đó bỏ rơi, không chịu cưới. T sinh ra đã không cha. T còn đỏ hỏn, mẹ đi lấy chồng. Từ đó ông bà ngoại chăm sóc nuôi nấng đứa cháu tội nghiệp. Mỗi lần T không ngoan, làm điều sai trái đều bị cậu ruột “uốn nắn” bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết. Xót cháu, T có hư bà ngoại cũng giấu biệt. Vậy là T bỏ học, lêu lổng, thâu đêm suốt sáng trong những quán nét, chơi game. Được ông bà ngoại động viên, T đi học nghề sửa xe máy. Ông bà chưa kịp mừng thì đã “kêu trời không thấu” vì T sử dụng những điều học được để dễ dàng mở khóa, trộm xe, lấy tiền “nộp” cho quán nét.
Dậy từ tờ mờ sáng, lọ mọ nấu món ăn mà T thích, bới đến tòa cho cháu. Khi tiếng chuông vang lên báo hiệu hội đồng xét xử ra làm việc, tất cả mọi người nhanh chóng vào phòng xét xử, bà ngoại T vẫn đứng xớ rớ ngoài hành lang. Bà bảo bà không đủ can đảm nhìn cháu đứng sau vành móng ngựa. Mẹ của T đang ốm, nhưng cũng ráng có mặt tại phiên tòa cùng con. Liên tục thở dài, người phụ nữ mặt mũi rầu rầu tâm sự, vì hoàn cảnh chị đi lấy chồng sinh thêm 2 đứa con. Chị đau ốm suốt nên một mình chồng cáng đáng mọi việc gia đình, kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Chị chẳng giúp chồng được gì nhiều, càng không coi ngó, chăm sóc được đứa con riêng. Để đến nỗi…
Giá như, những “nhân vật” trong các vụ án nêu trên (nói riêng) và tất cả ai làm cha làm mẹ đều ý thức về trách nhiệm của mình đối với con cái, gần gũi, yêu thương, bảo ban, uốn nắn các cháu đúng cách, kịp thời, không để các cháu lêu lổng, sa vào hư hỏng, phạm tội, thì có lẽ xã hội giảm được rất nhiều tội phạm vị thành niên.
Phạm Thùy Chi