Vụ án xảy ra bởi nguyên nhân: Thấy mẹ vợ bị hàng xóm chửi bới sỉ nhục, con rể dùng đùi gỗ đánh vào chân hàng xóm, gây thương tích 1%, phải nằm viện 3 ngày. Con rể bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội “cố ý gây thương tích”. Theo nội dung cáo trạng được công bố tại phiên tòa và lời khai của mẹ vợ bị cáo; giữa ông H (bị hại) và bà L (mẹ vợ bị cáo), là hàng xóm với nhau nhưng thường xuyên mâu thuẫn. Ngày 12/4/2016, giữa hai người này xảy ra xô xát nhưng không gây ra thương tích cho ai. Sau đó, ai về nhà nấy. Chừng một tiếng sau, ông H chạy xe ngang nhà bà L thì dừng lại, tiếp tục “đấu võ mồm”. Ông H có lời nói xúc phạm, sỉ nhục bà L. Bức xúc giùm mẹ vợ, con rể của bà L ở trong nhà chạy ra, lấy một đùi gỗ đánh vào chân ông H mấy cái, thì được mọi người can ngăn. Ông H sau đó phải nằm viện ba ngày để điều trị vết thương. Theo kết luận của giám định pháp y, ông H bị đa chấn thương phần mềm, không để lại di chứng. Tổn hại sức khỏe 1%. Ông H yêu cầu khởi tố hình sự đối với con rể bà L..
“Ông ta đi mô cũng rêu rao, bảo tui đi “làm tiền”. Đáng tức hơn khi ông ta sỉ nhục tui như vậy giữa chợ. Ai mà chịu nổi. Dồn nén ngày này qua ngày khác, vậy nên hôm đó con rể tui mới quá bức xúc, không kiềm chế được”- mẹ vợ bị cáo phân trần. Bị hại thừa nhận có nói những điều như bà L “tố cáo”. Tuy nhiên, ông H cũng “tố” bà L không phải vừa vặn gì. Trước đó bà L cũng xúc phạm ông, xúc phạm con gái ông. Lúc cãi cự ngoài chợ, bà L tuyên bố mới “hiệp 1”, chưa xong… Ông H tưởng bà L chỉ nói vậy, ai ngờ hôm xảy ra chuyện, lúc ông đi ngang nhà bà L, bà này lấy xô phân tạt lên người ông, ông giận quá mới to tiếng. Rồi ông bị con rể bà L xông vào đánh. Ông H trình bày trước tòa, ông bị bị cáo dùng gậy đánh rất nhiều, cả ở vùng đầu, vai, chứ không phải chỉ mỗi ở chân. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận vì không có căn cứ. Những nhân chứng trong vụ án tuy vắng mặt tại tòa nhưng đã có bản khai tại hồ sơ, nội dung không chứng kiến sự việc mà chỉ nghe kể lại. Qua điều tra còn được biết bị hại với gia đình bị cáo thường hay lời qua tiếng lại, có khi còn đánh nhau. Người dân địa phương chứng kiến miết cũng đâm “nhàm”.
Tòa: “Là hàng xóm với nhau, vì sao lại mâu thuẫn sâu sắc như thế? Hai người trước đây từng có quan hệ tình cảm không?”. Ông H không trả lời. Bà L trả lời tòa, trước đây ông H thường nhắn tin rủ bà đi chơi, hát karaoke, nhưng bà không đi. Bà H suy luận, có thể vì điều này khiến ông H đi rêu rao sỉ nhục bà cho bõ ghét. Sau khi sự việc xảy ra, bà đã nhiều lần “xin xỏ” ông H, nhưng ông này vẫn không đồng ý, một mực yêu cầu khởi tố đối với con rể bà. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo cũng quay hẳn người xuống hàng ghế bị hại, nói lời xin lỗi với thái độ ân hận. Tuy nhiên, bị hại không chấp nhận. Thấy cảnh đó, mẹ vợ bị cáo ném qua phía bị hại ánh mắt bực tức.
Tòa: “Hai người ở cùng làng, cùng xóm, cùng ngõ với nhau. Có câu “bà con xa không bằng láng giềng gần”, nhà cạnh nhau, chống cửa lên đã thấy mặt, anh kêu người ta “đi làm tiền”, ai mà chịu thấu. Mà người ta có làm việc ấy thật, trách nhiệm của anh là báo với cơ quan chức năng để họ xử lý, chứ không phải ngày ngày lôi người ta ra nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Con người sống với nhau phải có văn hóa. Giờ anh với chị, cứ mở mắt ra là chửi nhau, ai mà chịu được. Bị cáo sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình. Nhưng dù phiên tòa này kết thúc, nếu không ai chịu nhường ai, nếu anh vẫn còn xúc phạm người ta, thì có thể người ta bức xúc sẽ lại gây thương tích cho anh. Không lẽ giờ xóm giềng không ở được với nhau, một gia đình phải bán nhà dọn đi ở chỗ khác?”.
Phân tích của tòa thật hợp lý. Chỉ mong những người trong cuộc nhận ra hành vi sai trái của mình, biết điều chỉnh cách cư xử, chấp hành pháp luật, để không còn xảy ra sự việc đáng tiếc hay đau lòng nào nữa, cất bớt gánh nặng cho cộng đồng, xã hội.
Tòa tuyên bị cáo 9 tháng cải tạo không giam giữ; bồi thường cho bị hại 2,4 triệu đồng.
Duy Trí