ClockThứ Năm, 03/10/2019 07:00

Chủ động “3 trước, 4 tại chỗ”

TTH - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện A Lưới phân chia các địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng bão lũ với các mức độ khác nhau. Trong đó, phân định rõ khu vực dự kiến xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ngập sâu và khu vực có thể xảy ra dông, lốc... Đây là căn cứ để các địa phương triển khai biện pháp phòng chống phù hợp với đặc điểm tình hình.

Lo trước khi bão lụt tớiHương Trà: Diễn tập phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn

Người dân ở các địa bàn xung yếu của A Lưới chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm tại chỗ

Chủ động ở vùng xung yếu

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường thông tin, đối với huyện miền núi này, các địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, gây chia cắt là dọc tuyến QL49A thuộc địa bàn xã Hồng Hạ. Đường Hồ Chí Minh có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng tại các điểm như đèo Pê Ke thuộc xã Hồng Thuỷ, dốc A Năm ở xã A Roàng và đoạn từ xã Hương Phong đến xã Hương Lâm... Nhiều địa bàn của A Lưới có nguy cơ bị lũ quét đột ngột bồi lấp đồng ruộng, nhà cửa bị cuốn trôi như khu vực ven sông tại các xã Hồng Kim, Hồng Quảng, Hồng Thái, Sơn Thuỷ...

Xã A Roàng là địa phương thường chịu thiệt hại lớn trong các mùa bão lũ. Do yếu tố địa hình, bão lũ thường chia cắt, cô lập địa bàn, rất khó tiếp cận, nhất là 2 thôn A Min và Ka Lô.

Theo Trưởng thôn Ka Lô KaPiu Thị Nghĩ, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cho bà con trong thôn hiểu về việc chủ động dự phòng lương thực, thuốc men, sẵn sàng hợp tác di dời khi chính quyền địa phương triển khai phương án phòng tránh bão lũ.

Ka Lô là thôn thường bị chia cắt, cô lập trong bão lũ. Ngoài tích cực tuyên truyền vận động bà con, địa phương còn thành lập các đội xung kích do dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt, sẵn sàng ứng cứu giúp dân theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” (chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, vật tư chuẩn bị trước; lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ).

Chủ tịch UBND xã A Roàng Hồ A Lua cho biết, chính quyền địa phương bám sát kế hoạch của UBND huyện, chỉ đạo BCH quân sự xã phối hợp với trạm y tế, trường học, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn sẵn sàng sơ tán khẩn cấp người dân; nhất là các thôn xung yếu, vùng ven sông suối để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Sẵn sàng trước mọi tình huống

Rút kinh nghiệm từ các mùa bão lũ trước, nhất là cơn bão số 10 năm 2017, địa phương xác định công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo các địa phương lập phương án chi tiết sơ tán, bảo vệ người dân và tài sản ở nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và các vùng thấp trũng, có kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn như trụ sở cơ quan, nhà họp thôn và trường học nơi gần nhất khi có tình huống xảy ra.

Huyện A Lưới đã dự trữ 25 tấn gạo, 50.000 gói mỳ tôm, 10.000 lít xăng, 5.000 lít Diezel và 3.000 lít dầu hoả; tiến hành cấp phát đảm bảo dự trữ tại chỗ cho các xã có nguy cơ bị chia cắt như A Roàng, Hồng Thủy, Hồng Hạ và Hương Nguyên... Sẵn sàng phương án di dời gần 520 hộ, với 2.425 nhân khẩu ở các vùng sông suối có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở.

Từ cấp huyện tới xã và cơ sở các thôn đều tổ chức điều tra nắm cụ thể từng địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để có phương án di dân đến nơi an toàn. Chính quyền các xã, thị trấn chủ động phương án cụ thể, linh hoạt, huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức kinh tế - xã hội và toàn thể cộng đồng tham gia PCTT và TKCN để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước, trong và sau mưa bão.

Nhận định các điểm xung yếu trên tuyến QL49A sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở gây chia cắt khi mưa bão đến, các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện phối hợp với Hạt Quản lý đường bộ A Lưới tăng cường các phương tiện xe múc, máy ủi cùng nhân lực sẵn sàng ứng trực để đảm bảo thông suốt giao thông trong tình hình mưa lũ.

Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ A Lưới Lê Gia Định cho rằng, do địa hình và khu vực các dãy núi trên địa bàn có nền địa chất yếu, đơn vị xác định sẽ tăng cường ứng trực tại các vị trí Km 72 và Km 75 - 76 trên tuyến QL49A thuộc khu vực đèo A Co, và các vị trí xung yếu khác trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới khi có mưa bão xảy ra.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện A Lưới đang tập trung kiểm tra các công trình trọng điểm, các dự án đang thi công trên địa bàn. Các địa phương tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất ở các diện tích gần sông, suối có khả năng sạt lở, bồi lấp để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho người dân thu hoạch.

Các địa phương tiến hành kiểm tra các hộ dân cư đang làm nhà ở khu vực gần núi hay vùng thấp để có phương án đảm bảo an toàn, tránh xảy ra lũ quét, san lấp; đồng thời, kiểm tra toàn bộ hệ thống chuồng trại cho gia súc, gia cầm, nhất là đối với đồng bào sinh sống hai bên bờ các sông A Sáp, Tà Rình và Sông Bồ... để có phương án đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân khu dân cư Ba Lạch

Ngày 8/11, khu dân cư Ba Lạch (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân dịp Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân khu dân cư Ba Lạch
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Return to top