ClockChủ Nhật, 21/11/2021 06:09

Có tàu qua đường ngang…

TTH - Tôi đã mường tượng đúng câu nói đó, trong một nhịp điệu cũng chậm và ngang mỗi lần dừng xe nơi dốc Bến Ngự. Tai có thể không nghe thấy khi ở giữa đám đông, cách chắn tàu cả một quãng, nhưng 15 năm “định cư” ở Nam Giao, lời nhắc ấy có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi lần đi/về.

Bán vé tàu Tết Nhâm Dần từ ngày 15/11

Tôi đã nghĩ đến điều đó, thốt nhiên khi đọc về trạng thái của người dân Hà Nội trong những ngày đầu tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa vào khai thác. Không có thể nhận xét một điều gì, khi mà mình chưa hề trải nghiệm. Nhưng chia sẻ của một bạn trẻ làm tôi dừng lại khi cho hay, nhìn xuống tuyến đường (bộ) mà mình vẫn thường đi lại mỗi ngày với đủ loại phương tiện dọc ngang, bạn cảm thấy sợ.

Huế đương nhiên là khác Hà Nội, các loại phương tiện đương nhiên là cũng không có lúc hỗn loạn trong những giờ cao điểm như Hà Nội… Nhưng Huế hôm nay cũng đã khác với 15, 10 hay 5 năm trở về trước, khi lượng xe máy và nhất là ô tô đã nhiều hơn, dày hơn. Thời gian chờ tàu qua đường ngang vì vậy mà cũng lâu hơn so với bình thường. Có lẽ điều ấy sẽ chẳng là vấn đề nếu người dân ý thức dừng xe đúng làn và đúng tuyến. Cho dù làn và tuyến ấy được phân định bằng rào sắt (như ở nút Điện Biên Phủ) hay chỉ bằng những chấm màu vàng vuông và sự phân định trong ý thức ở nút Phan Bội Châu và nhiều điểm khác. Lắm khi cũng thấy ngần ngại khi tấp xe để dành chỗ cho người đi bộ vì lề đường quá nhỏ…

Tôi chưa rõ con số cụ thể về chiều dài qua thành phố trong tổng số hơn 100 km  tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh. Cũng không nhớ hết bao nhiêu lần đã ngồi cùng bạn bè, đồng nghiệp… đàm đạo, ước ao về việc một lúc nào đó, hệ thống đường sắt ngang qua thành phố sẽ được chỉnh trang, cải tổ và thay đổi. Thay đổi cả về mục đích chạy tàu, để phục vụ du lịch chẳng hạn.

Thực ra, những điều này đã phần nào đó được thể hiện trong một bản phê duyệt của UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vào tháng 6/2015. Trong đó, không chỉ có việc ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt bắc - nam hiện có mà còn đặt ra phương án nghiên cứu, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục bắc - nam qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt đã được phê duyệt. Trong một nghiên cứu tiền khả thi dự án khác của Ban Quản lý dự án Đường sắt và Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS về đường sắt tốc độ cao qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn Thừa Thiên Huế sẽ chạy về phía nam theo hướng song song đường sắt hiện tại, vượt sông Hương và đến ga Huế mới, cách ga hiện tại vào khoảng 2km, dự kiến sẽ được đặt ở một điểm tại phường Thủy Xuân.

Các quy hoạch có thể được thay đổi và bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, nhưng có lẽ, đây cũng là điều đã được phát huy từ kế hoạch dự kiến là các đoàn tàu không có tuyến Huế sẽ không cần đi qua thành phố, được đặt ra trong Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020 của nhiều năm trước đó. Mấu chốt được đặt ra ở giải pháp này là để các tuyến đường sắt được đi gần các khu di tích lịch sử, văn hóa và không được phá vỡ cảnh quan đôi bờ sông Hương, bằng cách dịch về phía tây thành phố.

Khi trở lại những điều này, tôi đã hy vọng hoài về lời nhắc chậm, đều mà mình nghe mỗi lần gặp tàu qua đường ngang rồi sẽ trở thành một dư vị nhấn nhá trong nhịp sống du lịch. Cũng hy vọng những quy hoạch đã được thông qua sẽ “không có tàu qua đường ngang”...

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Return to top