Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Phú Bài
Gặp khó từ cơ sở
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Quảng Điền, hiện có 4 doanh nghiệp trên địa bàn có chi bộ Đảng. Đây được xem là con số khả quan, nhưng cả 4 trường hợp này đều rơi vào 4 hợp tác xã (HTX) tại địa phương.
Tại HTX Nông nghiệp xã Quảng Thọ 1, chi bộ Đảng có 5 đảng viên, trong đó 1 đảng viên địa phương được tăng cường từ khi mới thành lập. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị chỉ phát triển được thêm 2 đảng viên từ nguồn công đoàn cơ sở (CĐCS) giới thiệu. Ông Trương Công Tuấn, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 1chia sẻ, đối với việc phát triển đảng tại chi bộ, công đoàn đóng vai trò là một kênh tuyên truyền, vận động và bồi dưỡng nhận thức cho đoàn viên. Từ đó, giới thiệu các cá nhân ưu tú để kết nạp vào Đảng.
Ông Nguyễn Văn Nấu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Quảng Điền cho biết, đối với doanh nghiệp đã thành lập được chi bộ Đảng, công đoàn là một trong những tổ chức bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, góp phần nâng số lượng và chất lượng phát triển đảng viên tại cơ sở. Bên cạnh đó, công đoàn đóng vai trò giám sát đảng viên thông qua nhiều kênh khác nhau, từ đó có những đề xuất, kiến nghị đối với chi bộ Đảng.
Theo ông Nấu, căn cứ Nghị định 98 của Chính phủ về việc thành lập tổ Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, LĐLĐ huyện tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn tạo điều kiện phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nhưng thực tế cho thấy đây là việc không hề dễ, hiện nay LĐLĐ huyện chỉ mới bước đầu tiếp cận với Công ty CP May mặc Triệu Phú để vận động, hướng dẫn thành lập chi bộ Đảng trực thuộc Đảng bộ thị trấn Sịa. Công ty hiện có 5 đảng viên đang sinh hoạt tại nơi cư trú, trong đó có giám đốc công ty.
Đổi mới hoạt động
Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, đây là thực trạng chung trên toàn tỉnh khi có rất ít CĐCS thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh vận động thành lập được chi bộ Đảng. Các đảng viên tại doanh nghiệp thường sinh hoạt tại địa phương và hầu như không mặn mà với việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong đơn vị. Đối với công đoàn, đây là việc không mấy dễ dàng khi chỉ đóng vai trò tuyên truyền, vận động là chính.
“Các doanh nghiệp luôn hướng tới mục tiêu tạo ra lợi nhuận lớn nhất có thể chứ không mấy mặn mà với việc thành lập tổ chức Đảng và đoàn thể. Ngay cả trong quá trình tiếp cận doanh nghiệp, việc vận động thành lập tổ chức công đoàn cũng gặp khó khi doanh nghiệp chưa thấy được chức năng, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, hướng tới mục đích người lao động và người sử dụng lao động đều có lợi”, bà Hoài Hương lý giải.
Bên cạnh đó, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thường có tư tưởng nhảy việc, không gắn bó lâu dài khiến công tác tuyên truyền, bồi dưỡng các đối tượng để kết nạp thường bị đứt quãng, khiến việc phát triển đảng trong doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục nỗ lực thực hiện song song nhiệm vụ phát triển tổ chức công đoàn với công tác xây dựng Đảng trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bởi việc thành lập các CĐCS sẽ là tiền đề để tiếp tục vận động thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Gắn liền với đó, hoạt động công đoàn đã và đang nỗ lực đổi mới nội dung và hình thức tổ chức, sát với nhu cầu của đoàn viên, người lao động, nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Khi đời sống, việc làm được cải thiện, tư tưởng ổn định, đó là môi trường thuận lợi để cán bộ, người lao động, đoàn viên được học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao nhận thức, trình độ để xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Ðảng.
“Trước mắt, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung khảo sát các doanh nghiệp có nhiều đảng viên đang sinh hoạt nơi cư trú để vận động thành lập tổ chức Đảng và chú trọng công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp”, bà Hoài Hương cho biết thêm.
Bài, ảnh: MINH NGUYÊN