ClockThứ Hai, 08/11/2021 20:30

Đã quên lời thề

Liên tiếp có những thông tin xấu trong ngành y tế được truyền tải gần đây. Người này bị bắt, người kia bị khởi tố. Người khác “đang ngồi trên đống lửa”. Chủ yếu là liên quan đến sai phạm trong đấu thầu, nâng giá mua thiết bị, thậm chí là câu kết mua thuốc, hóa chất… không đảm bảo chất lượng, hay còn gọi là giả. Những người đã bị bắt, đa số là có học hàm học vị cao trong ngành y, bao gồm bác sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, bác sĩ chuyên khoa… Có người được đánh giá là một trong những đầu ngành hiếm hoi. Tức là họ có một thời gian dài phấn đấu và cống hiến trong ngành y tế. Những thành tích của họ được ghi nhận cho nên họ mới được cất nhắc trên từng bước thang thăng tiến.

Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tại trụ sở Bộ Y tế sáng 4/11. Ảnh: tuoitre.vn

Chúng ta đều biết, bất cứ ngành nào cũng cần phải học và bổ sung kiến thức thường xuyên. Thời buổi khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh thì càng đòi hỏi sự cập nhật kiến thức nhanh tương ứng. Ngành y được cho là một ngành học “cả đời”. Ngay như thời gian đào tạo một bác sĩ chính khóa thời gian đã dài hơn các ngành khác. Với bác sĩ thực hành, muốn thành thục công việc thì phải học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. Để trở thành những bác sĩ đầu ngành, thành những bàn tay vàng thì sự học còn nhiều hơn nữa. Rồi phải đi tu nghiệp nước ngoài – những nơi có nền y học tiên tiến để cập nhật thêm những kiến thức mới. Những nước này có ai dạy bằng tiếng Việt đâu, thế là phải học và rèn luyện thêm ngoại ngữ, ít nhất là ngoại ngữ chuyên ngành, học cách ứng xử với những nền văn hóa khác nhau… Nói như thế để thấy, muốn trở thành một bác sĩ giỏi, có tài năng là phải trải qua một sự học dài ghê gớm, nếu không muốn nói là sự “khổ luyện hơn bất cứ một ngành thực hành nào”. Cho nên, những bác sĩ đứng đầu ở các đơn vị y tế, nếu bị bắt và khởi tố vì những sai phạm như nêu trên là… rất uổng. Sự nghiệp, danh dự của họ có thể tiêu tan đã đành, nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, xã hội cũng bị thiệt thòi! Suy cho cùng, đó cũng là những ham muốn về kinh tế, nhưng không chính đáng.

Ông Trương Quốc Cường khi chưa bị khởi tố với cáo buộc liên quan sai phạm để VN Pharma nhập thuốc giả vào Việt Nam. Ảnh: nld.com.vn 

Có một nhà văn nổi tiếng, đã viết thành sách hẳn hoi và có hàng trăm ngàn người đón đọc. Nhà văn này cho rằng, mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều mang vác một “sứ mệnh”. Anh là giáo viên, sứ mệnh của anh là làm sao truyền tải kiến thức nhiều nhất đến người học. Anh đã chọn theo ngành y, sứ mệnh cao cả nhất của anh là chữa bệnh cho bệnh nhân… Đã là thầy cô giáo, đã là bác sĩ mà đặt nặng đồng tiền lên trên sứ mệnh là anh đã không làm trọn thiên chức mà mình đã chọn. Điều này có đúng hay không, thực tế trong đời sống hiện nay đã diễn ra như thế nào chúng ta có thể ngẫm nghĩ và soi xét. Nhưng rõ ràng, có nhiều giá trị của những sứ mệnh chân chính bị lệch chuẩn.

Có lẽ hơn lúc này cũng là lúc, những người thực hành trong ngành y nhớ lại lời thề của Hippocrates, được cho là cha đẻ của y học phương Tây. Và đây là một phần của lời thề Hippocrates: “Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác. Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết… Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại”.

Có lẽ các bác sĩ nêu trên đã từng đọc vang lời thề này khi tốt nghiệp ra trường, nhưng… đã quên!

Nhưng chúng ta không thể quên những gì đã trở thành lẽ sống, dù bất cứ ngành nào.

Nguyễn Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2022; khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn “Bắt bị can để tạm giam”, “khám xét” đối với 5 đối tượng về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 354 Bộ luật hình sự.

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế
Phú Lộc: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng “Cố ý gây thương tích”

Ngày 19/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Lộc quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Phúc (sinh năm 2001), trú tại thôn Thủy Yên Thôn, xã Lộc Thủy về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phú Lộc Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng “Cố ý gây thương tích”
Bắt tạm giam giám đốc doanh nghiệp mua bán hóa đơn trái phép

Ngày 23/5, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết, vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đối với Nguyễn Lê Quân (trú tại phường Đông Ba, TP. Huế) là Giám đốc Công ty TNHH MTV Tài Phước Đức về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN)” để điều tra xử lý.

Bắt tạm giam giám đốc doanh nghiệp mua bán hóa đơn trái phép
Return to top