ClockThứ Ba, 28/03/2017 13:50

Dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới

TTH - Mô hình “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nam Đông vận dụng sáng tạo, thực hiện có hiệu quả thông qua đội ngũ “cốt cán thôn”. Minh chứng là đời sống người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12% và có 5 xã được công nhận nông thôn mới (NTM).

Tạo sự đồng thuận

Quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Nam Đông có hàng trăm tuyến đường dân sinh, đường vào khu sản xuất tập trung và nhiều công trình công cộng do người dân tham gia hưởng ứng hiến đất, tài sản trên đất. Có được những kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận dụng sáng tạo, có hiệu quả chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Thông qua các hình thức vận động, người dân cải tạo, nâng cấp đường thôn xanh, sạch

Bà Nguyễn Thị Thảo, trú thôn 11, xã Hương Hòa chia sẻ: “Dù gia đình chẳng khá giả gì, nhưng khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất, hiến cây làm công trình công cộng. Rất mừng vì Hương Hòa đã đạt chuẩn NTM, đời sống người dân ngày càng tốt lên".

Dù đời sống người dân của thôn A Xăng, xã Thượng Long còn nhiều khó khăn, nhưng đây là thôn 7 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng. Để có được kết quả này là cả một quá trình tuyên truyền, vận động không mệt mỏi. Ông Hồ A Ray, Bí thư Chi bộ thôn A Xăng bộc bạch: “Mỗi địa phương một phong tục, tập quán riêng nên cần dựa trên trình độ, nhận thức của người dân để tổ chức tuyên truyền, vận động. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, chúng tôi luôn tuyên truyền, giáo dục con cháu thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin. Do đó, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên”.

Thông qua mô hình “Cốt cán thôn” gắn với “Dân vận khéo” và phong trào chung sức xây dựng NTM, Nam Đông đã vận động Nhân dân đầu tư làm mới và nâng cấp hơn 1.000 ngôi nhà; hàng trăm hộ tình nguyện hiến đất, tài sản trên đất tương đương 1 tỷ đồng và gần 9.000 ngày công tham gia giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường và làm đường bê tông nông thôn. Ngoài ra, các đoàn thể còn tổ chức cho hội viên tham gia nạo vét kênh mương, xây dựng đoạn đường tự quản...

Duy trì và phát huy mô hình“Cốt cán thôn”

Đến nay, toàn huyện đang duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình “Cốt cán thôn” ở 60/60 thôn, tổ dân phố. Định kỳ hàng tháng, lực lượng cốt cán thôn đã tích cực vận động Nhân dân làm vệ sinh các tuyến đường sạch, đẹp; phong trào trồng và chăm sóc hàng rào xanh được quan tâm vận động. Bà Hồ Thị Hương- Trưởng Cốt cán thôn 11, xã Hương Hòa cho biết: “Mô hình cốt cán thôn đã và đang được chúng tôi thực hiện có hiệu quả. Qua tuyên truyền vận động, người dân trong thôn tích cực hưởng ứng tham gia nhiều phong trào do địa phương phát động, nhất là phong trào xây dựng NTM”.

Ông Hoàng Kim Thạnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Đông cho biết, mô hình “Cốt cán thôn” ra đời nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động được sự tham gia của toàn thể đội ngũ cán bộ công chức ở xã, thôn vào việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại địa bàn nơi cư trú, tránh tình trạng quan liêu, xa dân. Mô hình này góp phần tích cực vào công tác vận động quần chúng trong quá trình  xây dựng NTM của địa phương. Qua đó, giúp cán bộ gần dân, sát dân hơn, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, nhờ vậy, người dân tự nguyện tham gia tích cực vào các phong trào do địa phương phát động.

Mô hình "Dân vận khéo" gắn với xây dựng NTM được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, vai trò chủ thể của người dân được phát huy tối đa. Qua đó thu được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, Nam Đông  có 5 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã còn lại đạt từ 10-15 tiêu chí.  “Thực tế cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt mô hình “Cốt cán thôn” thì ở đó đã và đang gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Điển hình như các xã đã cán đích NTM Hương Giang, Hương Hòa, Hương Hữu, Hương Phú và Hương Sơn” – ông Hoàng Kim Thạnh nhấn mạnh.

Thái  Bình- Tiến Dũng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Return to top