ClockThứ Ba, 30/07/2024 07:01

Dân vận trong hành trình đi tìm liệt sĩ tại Lào

TTH - Bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa giúp đỡ người dân bản địa, Đội Quy tập mộ liệt sĩ 192 đã góp phần thắt chặt thêm tình cảm gắn bó, đoàn kết với Nhân dân các bộ tộc Lào trong hành trình tìm kiếm, cất bốc, quy tập các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh.

Đón Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào trở về Bàn giao hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện hy sinh tại Lào

 Nhân viên Quân y Đội 192 khám, chữa bệnh cho bà con nhân dân các bộ tộc Lào

Đồng hành và sẻ chia

Theo những người trực tiếp tham gia, hành trình tìm kiếm các liệt sĩ hy sinh trên đất nước bạn Lào luôn gian nan, vất vả. Cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập 192 thường phải gùi ba lô, lương thực nặng vài chục ký trên lưng và lội bộ trong địa hình nhiều đèo cao, suối sâu, vực thẳm.

Thượng tá Nguyễn Như Hiếu - Đội trưởng Đội 192 chia sẻ, hành trình đi tìm liệt sĩ ngày càng gặp nhiều khó khăn, bởi các nguồn tin dần khan hiếm; hơn nữa các nguồn tin đều nằm ở những vị trí xa xôi trong rừng sâu, rất ít người qua lại.

“Có những nguồn tin chúng tôi phải đi bộ gần 5 ngày đường mới tới nơi, nhưng vẫn không tìm thấy mộ. Phong tục tập quán đặc thù của các bộ tộc Lào cũng khiến anh em gặp khó khăn trong giao tiếp. Mọi người phải vừa vận động, vừa thực hiện tốt công tác dân vận, giúp đỡ bà con để tạo được lòng tin; lúc đó mới có thể tổ chức tìm kiếm được”.

Để có thể tạo lòng tin và lấy được thông tin mộ liệt sĩ từ người dân, bên cạnh sự hỗ trợ của Ban Công tác đặc biệt tỉnh bạn và cấp ủy, chính quyền địa phương; Ban Chỉ huy Đội 192 luôn quán triệt cán bộ, nhân viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận khi tiếp xúc và làm việc với bà con.

Với tinh thần đó, trong thời gian lưu trú tại các thôn, bản của nước bạn Lào, các thành viên của Đội đã thực hiện phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào”. Tranh thủ mỗi ngày nghỉ và giờ nghỉ, các cán bộ đã giúp đỡ bà con nhiều phần việc ý nghĩa, như: Khám, cấp phát thuốc miễn phí; giúp sửa chữa nhà cửa, trường học, cầu cống và các tuyến đường đi vào bản; hỗ trợ thu hoạch lúa, sắn, cà phê. Nổi bật, Đội 192 còn trực tiếp hướng dẫn cho ban chỉ huy quân sự các huyện và Nhân dân cách tăng gia sản xuất, trồng rau màu, cây ăn quả… Qua đó, không những đã tạo được lòng tin mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa bộ đội Việt Nam và Nhân dân nước bạn Lào.

Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Gia Đại Hải, nhân viên Quân y Đội 192 tâm sự, qua thời gian cùng ăn, cùng ở, có thể thấy trình độ dân trí của bà con còn hạn chế, nhất là việc tự chăm sóc sức khỏe. Do đó, bên cạnh thực hiện công tác tìm kiếm liệt sĩ, đơn vị đã tiến hành khám, cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh tật, giữ vệ sinh môi trường và tự nhận biết những căn bệnh thông thường. Nhờ đó, mọi người đều rất mực tin yêu và giúp cán bộ, chiến sĩ rất nhiều trong việc cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ.

Tiếp tục phát huy

Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, với phương châm giúp bạn là tự giúp mình, trong hành trình đi tìm đồng đội trên đất nước bạn Lào, cán bộ và nhân viên Đội 192 luôn phát huy phẩm chất cao quý của những người lính Cụ Hồ. Không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh với các nội dung như: Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam về thực hiện tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Lào; những đóng góp của bộ đội Việt Nam trong kháng chiến giải phóng đất nước Lào…

Thiếu tướng Phu Văn Phim Ma Chăn, Chỉ huy trưởng Chính trị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan (Lào) khẳng định, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào đời đời là niềm tự hào của hai dân tộc. Đó là một mối quan hệ mẫu mực hiếm có, vô cùng trong sáng và rất mực thủy chung.

“Chúng tôi vô cùng biết ơn sự hy sinh cao cả của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam; vì vậy, việc tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Tuy công tác tìm kiếm ngày càng khó khăn, song cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Salavan sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động và phối hợp chặt chẽ với Đội 192 để sớm đưa các anh trở về với đất mẹ”, Thiếu tướng Phu Văn Phim Ma Chăn cho biết thêm.

Hình tượng “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong quan hệ Việt - Lào đã trở thành một trong những biểu tượng của tình hữu nghị cao đẹp. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất, quân và dân hai nước đã dành cho nhau sự chia sẻ sâu sắc và to lớn về vật chất lẫn tinh thần. Để viết tiếp bản anh hùng ca bất tử về tinh thần đoàn kết chiến đấu và tình cảm thủy chung, son sắt giữa hai nước; cán bộ và chiến sĩ Đội 192 đã, đang và sẽ nỗ lực thực hiện tốt vai trò cầu nối vun đắp, thắt chặt thêm tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN - QUANG ĐẠO
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu mây & hành trình phía trước

Hiện tại, không phải cầu chinh, không phải Jujitsu và càng không phải bắn cung, mà cầu mây mới là bộ môn non trẻ nhất của thể thao Huế.

Cầu mây  hành trình phía trước
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa

TIN MỚI

Return to top