UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn
Theo ông Phan Xuân Toàn, thực tiễn thời gian qua cho thấy, có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng” trong hoạt động của một số tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Việc bổ sung những nội dung này vào Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm là rất cần thiết, nhằm kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Ông đánh giá như thế nào những điểm mới trong Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm?
Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW (Quy định 37-QĐ/TW) thay thế Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm.
So với Quy định số 47-QĐ/TW, Quy định số 37-QĐ/TW vẫn giữ nguyên số điều. Về nội dung cơ bản kế thừa các quy định cũ, song có một số điều mới, cũng như thay đổi về thứ tự, bổ sung nội dung mới. Tuy nhiên, có 2 điều mới, là Điều 3 và Điều 13. Theo tôi, những điểm mới là sự bổ sung rất quan trọng, cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo ông, điểm mới nào ông quan tâm nhất?
Đó là Điều 3, quy định đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Trao Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tuyển dụng cán bộ
Đảng ta đã và đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng. Do vậy, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh điều này, nên theo tôi, việc bổ sung nội dung này là hoàn toàn chính xác và thật sự cần thiết trong tình hình hiện nay.
Thực tế cho thấy, một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên có những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, ‘‘tự chuyển hóa”, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp?
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tạo ra những thách thức, nguy cơ; trong đó có những thách thức, nguy cơ về an ninh tư tưởng.
Hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt về cường độ; toàn diện về nội dung; đa dạng về phương pháp, hình thức và ngày càng công khai, tinh vi. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng rất dễ dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trong đó, có việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám”, đó là “dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu”. Vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh đã thể hiện “6 dám” này như thế nào, thưa ông?
Xác định công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực tiễn cho thấy, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành của tỉnh đều có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Qua đó, đã phối hợp tham mưu cho tỉnh tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Trong thời gian tới, trên cơ sở Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu để sớm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung làm cơ sở để khuyến khích đội ngũ cán bộ phát huy tính đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trong công việc được giao.
Vậy, những giải pháp quan trọng nào để nâng cao chất lượng cán bộ, công tác cán bộ của tỉnh hiện nay, thưa ông?
Thực hiện nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết với những nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể cho từng tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Để nâng cao chất lượng cán bộ, công tác cán bộ của tỉnh, theo tôi cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau.
Đó là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ là yêu cầu quan trọng để thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ; bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, lựa chọn đúng người có đủ phẩm chất, năng lực theo tiêu chuẩn quy định. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ phải là sự kết hợp chế độ tập thể lãnh đạo với phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Tiếp tục đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ. Trong các khâu của công tác cán bộ, nhận xét, đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm… Vì vậy, việc đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ sẽ giúp chọn đúng người cho các khâu của công tác cán bộ; ngược lại, nếu đánh giá không đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng người, đúng việc, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Quy hoạch cán bộ là một nội dung quan trọng của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ được chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch sẽ đảm bảo chủ động, tính kế thừa, phát triển, khắc phục tình trạng hẫng hụt trong bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, vị trí việc làm và phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
ANH PHONG (Thực hiện)